.

Được và mất...

Cập nhật: 21:29, 12/09/2019 (GMT+7)

Bạn tôi, chị Hiếu có 2 cậu con trai, chồng chị mất vì trọng bệnh khi cả hai con còn là học sinh THPT. Chồng chị từng là trụ cột gia đình, chị chỉ ở nhà nội trợ. Chồng mất, 3 mẹ con lao đao, không biết bám víu vào đâu, cả về chỗ dựa tinh thần lẫn cơm áo gạo tiền. Thương hoàn cảnh chị, có người giới thiệu để chị làm tạp vụ một công ty du lịch. Các con chị cũng tự giác kiếm việc làm thêm vào cuối ngày, cuối tuần ở các quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới. Dù rất băn khoăn, các con sẽ bị ảnh hưởng việc học hành khi làm thêm, nhưng không còn lựa chọn nào khác, chị đành phải chấp nhận. 

Gặp chị sau vài ba năm, khi con trai thứ của chị sắp bước vào đại học năm thứ nhất, cậu con cả đã tốt nghiệp đại học, chị nói, có lẽ việc buộc phải lựa chọn cho con đi làm thêm lại thành ra đúng đắn. Bởi, các con đã có ý thức chia sẻ gánh nặng kinh tế với chị. Và hơn hết là các con có thêm kinh nghiệm sống, có thể tự lập kể cả trong trường hợp khi không có chị cạnh bên. Cậu con trai cả với bằng kỹ sư trong tay, với những trải nghiệm thực tế đã giúp cậu chín chắn, trưởng thành và có kỹ năng tốt trong mắt nhà tuyển dụng nên đã dễ dàng xin được việc tốt. 

Cậu con trai thứ của chị từng là bạn học cùng lớp với con gái tôi, cháu năm nay cũng vào đại học và cũng có ý định tìm việc làm thêm. Vì ý định đó của cháu, cả nhà đã có những cuộc tranh luận chưa có hồi kết. 

Người thì cho rằng, không việc gì phải đi làm thêm, để thời gian còn tập trung học cho thật tốt. Người khác thì lại bảo nên đi làm thêm, còn có kinh nghiệm thực tế, còn biết quý trọng đồng tiền và biết thương ba mẹ. 

Trên thực tế, vẫn có các luồng ý kiến trái chiều trong việc sinh viên nên đi làm thêm hay không? Tất nhiên rằng, ở đây không tính đến những trường hợp buộc phải kiếm việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống và việc học hành do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Ở đây là sinh viên nói chung. Trong một cuộc hội thảo về chủ đề “Sinh viên có nên đi làm thêm” do Tổ chức Giáo dục Langmaster tổ chức, đã có 2 tình huống được đề cập và được cho là đều đi đến kết quả như nhau. Đó là sinh viên nên “tập trung học xong, ra trường lấy bằng và bắt đầu đi làm, cày cật lực thì được cả kinh nghiệm lẫn tiền bạc” và “vừa học vừa làm, tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, đến lúc ra trường chỉ việc đi làm”. Phương án thứ hai được cho là nên chọn lựa nếu sinh viên thấy mình thiếu kiến thức thực tế từ hồi đi học. Bởi theo ý kiến chuyên gia tại hội thảo thì đi làm sớm giúp con người sống thực tế hơn, ra trường không bị cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc và dễ vượt qua khó khăn. Còn nếu để khó khăn cùng ập đến một lúc bạn sẽ rơi vào vùng xoáy rủi ro cao. 

Ở nhiều nước phát triển, dù có điều kiện về kinh tế, nhưng đa phần sinh viên đều lựa chọn đi làm thêm, sống độc lập để lấy kinh nghiệm thực tế, vì vậy, khi ra trường ít ai rơi vào tình huống như đa phần tân cử nhân của nước ta mà nhiều nhà tuyển dụng hay đề cập là “thiếu kỹ năng mềm”. 

Bạn tôi, trưởng phòng nhân sự của một tập đoàn đa quốc gia cũng đã phải than thở như vậy khi tiếp nhận hồ sơ xin việc của các tân cử nhân, kỹ sư ở thị trường lao động trong nước. Bạn tôi nhận xét, không phải các tân cử nhân, kỹ sư… bất tài, kém cỏi mà chỉ là thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về phương thức tìm việc, thiếu kinh nghiệm thực tế. Các tân cử nhân, kỹ sư dù có tấm bằng loại khá hay giỏi hay trung bình thì đều chưa biết cách tạo hồ sơ cá nhân đủ thuyết phục, tác phong, lời nói để tiếp thị bản thân thành công trước nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, làm thêm đối với sinh viên cũng cần phải cân nhắc và có sự lựa chọn. Công việc làm thêm phải bảo đảm bổ trợ kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần là “có việc để làm”; nói như vậy để tránh tình trạng sinh viên bưng bê, rửa bát hoặc những công việc không phù hợp, để rơi vào tình trạng học cũng không xong do mải làm thêm, nợ môn, không đủ điều kiện để tốt nghiệp. 

Chúng ta vẫn nghe các doanh nghiệp kêu ca khó tuyển dụng lao động, còn người lao động lại cho rằng khó tìm việc làm. Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ở nước ta vẫn ở mức cao. Và chúng ta cần xem xét lại việc làm thế nào để tân cử nhân “san phẳng” được độ vênh giữa đào tạo và đòi hỏi từ nhà tuyển dụng. Các tân sinh viên phải chuẩn bị cho mình hành trang là các kỹ năng mềm để về sau này “bán” được chất xám và sức lao động của mình với giá cả hợp lý. 

SƠN TRÀ

 

.
.
.