"Hãy lan tỏa yêu thương và giáo dục không bạo lực"
Sáng sớm Chủ nhật, con gái tôi dậy từ 5 giờ, trước 30 phút so với mọi ngày. Con gái dậy sớm để cùng cả lớp tham gia chuyến dã ngoại cuối tuần. Điểm đến là cơ sở bảo trợ trẻ em trên địa bàn TX.Phú Mỹ.
7 giờ sáng, máy của tôi ngập tràn hình ảnh con gái gửi về qua Zalo. Đó là cảnh con gái tôi cùng các bạn vui chơi, đàn hát với các em bé bất hạnh được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ. Những cô cậu 16, 17 tuổi, rạng ngời trong nắng mai, cùng nhau tết tóc, sửa soạn cho các em nhỏ, cho các em uống sữa, ăn kẹo và cùng chơi đồ hàng… Nắng cứ dần lên cao, tầm 10 giờ thì cả lớp soạn sửa nấu bữa cơm trưa và cùng ăn với các bé. Cuối ngày, khi trở về nhà, bằng giọng điệu, ánh mắt vẫn chưa nguôi niềm xúc động, con gái tôi đã mô tả lại tình yêu thương mà các cô bảo mẫu ở cơ sở dành cho các bé. Dù không phải là con ruột, nhưng các cô bảo mẫu vô cùng dịu dàng trong cư xử với trẻ, từ lời ăn tiếng nói, đến cử chỉ, có lúc các cô còn rươm rướm nước mắt khi kể về hoàn cảnh của một em bé đã lên 9, 10 tuổi, bị bỏ rơi lúc còn đỏ hỏn và bé chỉ chực chờ cơ hội được ôm vai bá cổ, thơm “các má”.
“Lan tỏa yêu thương” bằng những việc làm như thế đã được một số trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm giáo dục cho học sinh về đạo đức, vun bồi nhân cách về sự sẻ chia, yêu thương và tình người. Ở trường con gái tôi theo học, những hoạt động tương tự được duy trì khá thường xuyên, vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ, nghỉ hè. Các con không chỉ đến thăm các em bé, bạn đồng trang lứa ở các cơ sở bảo trợ mà còn đến chăm sóc người già neo đơn; các con còn được nuôi heo đất, làm bánh, thiệp, nến… như một dự án kinh doanh nhỏ và toàn bộ số tiền kiếm được đều đem giúp bạn nghèo, bạn có hoàn cảnh khó khăn ở các địa bàn khác trong tỉnh. Các con cũng được giáo dục hãy đối xử với nhau bằng tình thân ái, bằng những cái ôm ấm áp, cảm thông và thấu hiểu. Đó là những bài học sinh động và cụ thể nhất, dễ tiếp thu nhất đối với học trò, những cô cậu đang ở độ tuổi hình thành nhân cách.
Hồi năm ngoái, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) từng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phát động chiến dịch “Lan tỏa yêu thương - giáo dục không bạo lực”. Trong chiến dịch, những thông điệp được chuyển tải đến cộng đồng đều nhấn mạnh việc thay đổi cách hành xử với con trẻ như: “Ngừng đánh con”, “Ngừng quát mắng con”, “Cùng con tìm giải pháp”, “Con là duy nhất, sao phải so sánh”…
Có lẽ, không cần thiết phải nhắc đến hay kể lại những câu chuyện liên quan đến vi phạm quyền trẻ em để nhắc nhớ cộng đồng, cha mẹ, thầy cô, bởi như thế, vô hình chung đã thêm một lần nữa làm tổn thương những tâm hồn mỏng manh của trẻ. Bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại không phải là công việc, nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Đó là hành trình dài với sự vào cuộc của nhiều bên liên quan, đặc biệt phải kể đến vai trò của các tổ chức xã hội và các đơn vị truyền thông.
Chúng ta hãy ngưng lại việc khai thác sâu, mô tả chi tiết những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, thay vào đó hãy lan tỏa những câu chuyện hay, với những yêu thương để giáo dục trẻ ở ngay trong gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta, những người lớn cũng tự giáo dục mình để thay đổi quan niệm “thương cho roi, cho vọt”… Người lớn cần hiểu rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi; thay vào đó, hãy “lan tỏa yêu thương” và “giáo dục không bạo lực” để trẻ được lớn khôn.
SƠN TRÀ