.

Người lớn đóng vai trò quyết định trong phòng tránh tai nạn cho trẻ

Cập nhật: 17:52, 28/03/2019 (GMT+7)

Tại xã Kim Long, huyện Châu Đức vừa xảy ra vụ nổ bình gas khiến bé trai Lê Gia Huy lên 6 tuổi bị bỏng nặng, phải đem đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng (TP.Hồ Chí Minh). 

Lê Gia Huy có lẽ sẽ không rơi vào tình trạng thương tâm như thế, nếu như cha mình, anh Lê Văn Tuấn (34 tuổi) không thực hiện hành vi sang chiết bình gas trái phép; trong khi đó, Lê Gia Huy đứng gần để xem, nhưng không bị cha mình nhắc nhở gì để bảo đảm an toàn. Hậu quả, anh Tuấn cũng bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh). Còn căn nhà cũ kỹ của hai cha con thì bị bốc cháy, tốc cả mái do áp lực từ vụ nổ. 

Trước đó, tại TP.Vũng Tàu một vụ việc thương tâm khác đã xảy ra từ sự lơ là, bất cẩn của bà mẹ trẻ, đã khiến cho bé trai mới lên 4 tuổi tử vong khi được mẹ dẫn qua chơi nhà hàng xóm. Hậu quả, bé trai đã nghịch ngợm trèo qua lan can và rơi xuống đất từ tầng cao của chung cư dẫn đến tử vong. 

Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm dẫn đến nguy cơ mất an toàn tính mạng của trẻ xuất phát từ sự bất cẩn của người lớn. Có những vụ việc lẽ ra không đáng để xảy ra, như mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng (TP.Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận trường hợp bé trai 17 tháng tuổi tại Đồng Nai uống nhầm xăng đựng trong chai nước ngọt. Bé nhập viện trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, nguy cơ tử vong lên tới 80%. Sau nhiều tuần điều trị lọc máu, bé đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Trước đó, một bé trai 14 tháng tuổi ở tỉnh Long An đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Nguyên nhân được xác định là do gia đình em bé này đã dùng chai nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu, nên em bé đã uống nhầm. Sau khi được uống thuốc giải đặc hiệu và điều trị tích cực, bé trai này đã qua cơn nguy kịch. Cả 2 trường hợp trên có thể tránh được nếu như người lớn của các bé không “tạo tình huống” là sử dụng chai nước ngọt để đựng hóa chất và để ngay tầm với của trẻ. 

Đáng báo động hơn, nguy cơ mất an toàn cho trẻ diện hiện ở mọi nơi, thậm chí, không chỉ ở nhà mà ở trường học, sự bất cẩn của người lớn cũng có thể gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng trẻ. Ví dụ như vụ việc hi hữu vừa xảy ra đầu tháng 3 tại một trường tiểu học thuộc tỉnh Hải Dương, khi có đến 44 học sinh phải nhập viện cấp cứu do ăn nhầm bột thông bồn cầu được để ở gầm cầu thang của trường học. 

Số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, phần lớn là do các tai nạn trong đời sống thường ngày như: Bỏng, ngã, ngộ độc thuốc, đuối nước... Riêng tại BR-VT, trong 2 năm gần đây, mỗi năm có khoảng gần 5.000 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, với trên dưới 15 trường hợp tử vong. 

Những vụ tai nạn ở trẻ em có thể sẽ không xảy ra hoặc được giảm thiểu đến mức thấp nhất nếu như người lớn không chủ quan, luôn để mắt đến sự an toàn của trẻ và có giải pháp để tạo cho trẻ môi trường an toàn, cũng như trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng sinh tồn để đối phó với những nguy cơ trong đời sống.

Công bằng mà nói, việc bảo đảm an toàn cho trẻ đã được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình quan tâm, chú trọng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, những vụ việc thương tâm vẫn xảy ra là hồi chuông cảnh báo đối với người lớn. Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, điều quan trọng hơn cả là phải dạy cho trẻ những kỹ năng sinh tồn để đối phó với các nguy cơ trong đời sống. Ở các gia đình, việc thiếu kỹ năng sinh tồn không chỉ xảy ra với trẻ em nông thôn mà cả với trẻ thành thị. Việc bao bọc con đã trở thành thói quen của các bậc phụ huynh. Thay vì để con tự làm hay dạy phương pháp cho con, cha mẹ lại làm hộ con, thậm chí xử lý mọi vấn đề giúp con. Điều này đã khiến trẻ không biết xử trí vấn đề, thậm chí hốt hoảng khi gặp vụ việc, để lại dư chấn tâm lý cho trẻ khi gặp sự cố. Hoặc do quá bận với mưu sinh, nhiều gia đình đã để trẻ tự do, hồn nhiên lớn lên trước đầy rẫy các nguy cơ mà không chủ động có giải pháp phòng tránh tai nạn cho trẻ. 

Người lớn cần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ, đừng để bất cứ sự cố đáng tiếc nào xảy ra, bởi người lớn có vai trò quyết định trong phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Đừng để những “lỗi ngớ ngẩn” của người lớn khiến trẻ phải chịu hậu quả nặng nề và đừng để khi sự cố xảy ra, người lớn mới ân hận nói rằng “giá như”…

THẢO LINH

.
.
.