.

Bẻ san hô vì quá… yêu?!

Cập nhật: 17:37, 04/04/2019 (GMT+7)

Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch lữ hành Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ đến thành phố biển Vũng Tàu khảo sát và thẩm định tour du lịch mới nối tuyến khép kín: TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Vũng Tàu - Côn Đảo - TP. Hồ Chí Minh, sau khi có các chuyến tàu biển cao tốc từ Vũng Tàu đi Côn Đảo. Ông Nguyễn Văn Mỹ vốn là chàng trai xông xáo trong phong trào học sinh - sinh viên Sài Gòn xuống đường đấu tranh thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đã gắn cuộc đời với hàng trăm chuyến du lịch lữ hành trong và ngoài nước.

Ông không chỉ là nhà quản lý, nhà kinh doanh lữ hành giàu kinh nghiệm mà còn là nhà báo, nhà văn và là một giảng viên du lịch lữ hành uy tín. Thông qua Nhà Xuất bản Thanh Niên, ông xuất bản nhiều tập sách về “Văn hóa du lịch” - chuyện góp nhặt “vạn nẻo đường”, “Đi ngày đàng học sàng khôn”, rất được bạn đọc yêu thích.

Đến Vũng Tàu, Nguyễn Văn Mỹ kéo tôi ra bãi biển Thùy Vân hàn huyên chuyện văn hóa du lịch, nhỏ nhẹ: “Tại sao các anh lại để du khách vặt bẻ cây san hô khi họ ra Côn Đảo. San hô là vàng, là tài sản vô giá, góp phần bảo vệ môi trường”. Ô hay, tôi có phải là giám đốc du lịch của địa phương? Tại sao ông lại lôi cả tôi vào vụ san hô? Với ngành công nghiệp không khói, tôi là người ngoại đạo, giám đốc công ty lữ hành? Không. Mà làm hướng dẫn viên du lịch, cũng không. Nghe tôi phân trần, Nguyễn Văn Mỹ nói ngay: “Không thể đứng ngoài cuộc, bởi anh là nhà báo, là công dân và chí ít cũng là du khách(!). Nguyễn Văn Mỹ say nghề, “máu” nghề đã phán như vậy, thì tôi đành chịu. Âu, đó cũng là sự thành tâm, bức xúc của một tấm lòng, rất đáng trân trọng. 

Được biết, biển Côn Đảo có khoảng 2.000ha san hô bao quanh. San hô Côn Đảo đẹp mê hồn, nếu không muốn nói là “kho báu” của vùng biển phương Nam. Tuy nhiên dưới tác động của tự nhiên và con người, hệ sinh thái san hô Côn Đảo đang suy giảm. Nhận thức được điều này, mấy năm gần đây, lãnh đạo tỉnh BR-VT, huyện Côn Đảo giao nhiệm vụ cho Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp với Viện Hải dương học TP. Nha Trang nỗ lực thực hiện dự án bảo vệ, giữ gìn, cấy ghép san hô, bước đầu đạt kết quả khả quan. Diện tích san hô được mở rộng, cây san hô lên nhanh, rừng san hô biển được khôi phục. Vậy mà có một số du khách cam tâm bẻ san hô - những mảng sản vật tự nhiên từ đại dương cho họ nguồn cảm hứng vô tận khi được ngắm nhìn, xuýt xoa, khi họ lội thưởng ngoạn mỗi khi nước thủy triều rút. Du khách vô ý thức bẻ san hô cho vào túi, dự định mang về đất liền những bọc san hô còn mùi tanh, đủ các loại từ san hô gạc, san hô nai, san hô trứng, san hô dĩa… Họ vô tư chụp hình những bọc san hô “chiến lợi phẩm” rồi tung lên mạng xã hội. Chỉ đến khi hướng dẫn viên, người có trách nhiệm nhắc nhở thì những du khách đó mới bỏ lại. 

Không chỉ ở Côn Đảo, một số du khách khi ra đảo Phú Quý (Bình Thuận), các đảo nằm trong vịnh đẹp Nha Trang (Khánh Hòa), đảo Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) vì… quá yêu sản vật từ đại dương cũng đã bẻ san hô cất giấu, gây bức xúc dư luận. Trên mạng xã hội, báo chí chính thống và nhiều du khách có ý thức bảo vệ môi trường - tài nguyên biển đã lên tiếng phê phán những biểu hiện vô ý thức, kém về văn hóa của một bộ phận khách du lịch.  

Du khách bẻ san hô, không thể nghĩ là việc nhỏ nhặt mà coi thường. Cần ý thức đó là việc làm không đẹp, không văn hóa của một số du khách. Đúng như lời nhắc của nhà du lịch lữ hành Nguyễn Văn Mỹ: “Để xây dựng nếp sống văn hóa cho du khách, không ai tự cho mình là người đứng ngoài cuộc. Chỉ bằng ý thức tự giác của mọi người thì du lịch mới thật sự có văn hóa”. Đó phải là ý thức và nếp sống đẹp của người Việt thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và đổi mới.

HẢI VÂN

 

.
.
.