Gian lận thi cử hệ lụy khó lường!
Xì-căn-đan gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tiếp tục gây sốc dư luận khi trong bảng danh sách thí sinh gian lận điểm ở tỉnh Hòa Bình có thí sinh từ 1 điểm/3 môn được nâng thành…27,5 điểm.
Hòa Bình, Hà Giang và Sơn La là những tỉnh có hàng loạt thí sinh được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018. Để có những mức điểm khủng ấy cho con em mình, một số phụ huynh, cá nhân đã dùng tiền và quyền lực tác động làm sai lệch kết quả thi, một số cán bộ có thẩm quyền trong ngành giáo dục đã bán mình để ra tay can thiệp trực tiếp thay đổi điểm thi.
Kết quả chấm thẩm định cho thấy môn bị giảm nhiều nhất là 9,25 điểm, trong đó có thí sinh được tăng điểm 3 môn cao nhất là 26,45 điểm. Hầu hết các thí sinh được nâng điểm đều đang học tại các trường ĐH danh giá ở TP.Hà Nội.
Tuần qua, Bộ Công an đã trả về Hoà Bình 28 thí sinh gian lận điểm thi và hiện đang chờ phúc đáp của Sở GD-ĐT 2 tỉnh Hà Giang và Sơn La để xử lý tiếp. Các trường, học viện quân đội thuộc Bộ Quốc phòng cũng đang rà soát học viên thuộc các tỉnh nói trên để loại những em có điểm thật dưới điểm chuẩn ra khỏi trường. Trước đó, hàng loạt các trường đại học cũng đã rà soát và buộc thôi học với các thí sinh ở Hòa Bình được nâng điểm.
Việc các học viện, trường đại học trả về địa phương những thí sinh gian lận điểm thi là cần thiết, góp phần vào việc làm sáng tỏ và xử lý thích đáng những cá nhân, tập thể “nhúng chàm” trong kỳ thi TPHT quốc gia 2018. Tuy vậy, dư luận cho rằng muốn xử lý tận cùng vấn đề, cần thiết phải công khai danh tính những người chạy điểm, mua điểm. Nếu cho rằng “vì vấn đề tế nhị, đảm bảo tính nhân văn” mà bỏ qua việc này sẽ không đủ sức răn đe và rất có thể các vi phạm này sẽ tiếp tục tái diễn trong các kỳ thi tới. Thà một lần đau mà cắt bỏ được ung nhọt để cơ thể lành lặn thay vì dung dưỡng nó để phải đối mặt những hiểm họa sau này. Một chuyên gia giáo dục bày tỏ chính kiến.
Gian lận thi cử để lại những hệ luỵ dai dẳng, nặng nề. Trên tất cả, nó khiến cho niềm tin của xã hội đối với giáo dục bị giảm sút, tâm lý của thế hệ trẻ bị ảnh hưởng, nhất là các em học sinh được gia đình và thầy cô “tiếp sức” một cách phi pháp và phản sư phạm để có một chỗ ngồi trong trường đại học.
Trong việc hình thành nhân cách và giá trị sống của thanh thiếu niên, cha mẹ và thầy cô là những tác nhân tác động một cách trực tiếp nhất, gần gũi nhất. Các bạn trẻ luôn nhìn vào cha mẹ, thầy cô, người lớn như những tấm gương mà mình cần phải học hỏi, cần phải noi theo để trở thành con người tốt như xã hội mong đợi. Thế nhưng những thí sinh được vào trường đại học do kết quả của việc can thiệp bằng quyền lực, tiền bạc với sự tiếp tay của một số cán bộ ngành giáo dục, sẽ học hỏi được gì từ cha mẹ và thầy cô đây? Chắc chắn cái mà họ học được đầu tiên là hành vi gian dối, phạm pháp, sự thiếu trung thực trong cuộc sống. Như vậy sau này khi trưởng thành, các em sẽ trở thành người như thế nào? Nếu các em là những công dân tốt thì đó là điều may mắn, còn nếu các em này sống và hành xử như một kẻ gian dối, một kẻ không trung thực, một kẻ làm đủ mọi cách để đạt được mục đích của mình thì chính cha mẹ và “thầy cô” của họ là những “tác giả” chính yếu chứ không phải các em. Chính họ đã dạy con em mình bước vào đời bằng quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.
Không thể không nói đến tâm lý mặc cảm, tự ti của những thí sinh vào trường đại học không phải bằng năng lực của mình mà do tác động của thế lực, đồng tiền. Sự tự ti và mặc cảm này kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến tinh thần, tâm lý và tình cảm của các em. Sâu xa và lâu dài, xã hội phải gánh chịu tai họa vì một lớp người có “bằng thật” nhưng “học giả”. Cha mẹ, thầy cô khi tiến hành “mua điểm”, “bán điểm” hẳn sẽ không nghĩ đến những hệ luỵ ấy. Còn nữa, khi dùng thế lực và đồng tiền “mua” một suất đại học cho con em, những người phụ huynh này còn tàn nhẫn đóng sập cánh cửa vào đại học đối với những em con nhà nghèo, học giỏi; cướp đi cơ hội của những thí sinh tử tế, gia đình tử tế, mà bây giờ chúng ta không thể lấy lại cho họ được” như đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng đã nhận định. Khi biết được hiện trạng “chạy chọt” này, hơn ai hết, chính các em, những người trẻ, thế hệ những người chủ tương lai của đất nước sẽ không còn tin vào sự công bằng trong xã hội.
NGUYỄN TRIỆU HẢI