Chăm sóc sức khỏe ngay khi chưa bệnh
“Người Việt thường có thói quen ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, chỉ khi có bệnh mới bắt đầu lo lắng. Và lúc ấy, ai “mách thuốc hay, thầy giỏi” ở đâu cũng cố mà tìm đến. Nhiều người lúc ấy mới nhận ra sức khỏe mới là quý nhất thì đã muộn!”, một vị bác sĩ “lão làng” từng chia sẻ như vậy tại buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Vị bác sĩ này còn nói: “Bạn hãy để ý mà xem, ở những nơi công cộng, bãi biển,… vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều tà, số lượng người tập thể dục nhiều nhất lại là người đã có tuổi; rất ít thanh niên. Trong khi đó, ở các quán nhậu hay cà phê, trà đá, gần như là ngược lại. Có thể, chỉ đến lúc đã có tuổi, bạn mới có thời gian để quan tâm đến sức khỏe, tham gia rèn luyện thể dục, thể thao. Nhưng thực ra, lý do này không hoàn toàn thuyết phục, bởi mỗi ngày có 24 tiếng và chúng ta đều sắp xếp được, chỉ cần dậy sớm một chút, giảm bớt thời gian la cà quán xá một chút, sắp xếp thời gian khoa học một chút… để thực hiện những bài tập đơn giản là đủ”. Và việc khám sức khỏe định kỳ chưa trở thành thói quen phổ biến, nhất là đối với những người lao động tự do ở thành thị và đại bộ phận người dân ở nông thôn. “Trong lần tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân ở vùng nông thôn, tôi đã từng kiểm tra huyết áp cho không ít người cao tuổi, có bệnh nhân huyết áp lên đến… 180 mà vẫn không hay biết. Chỉ thấy rằng, mình thường xuyên rất mệt, mất ngủ và chưa từng đi khám ở đâu cả. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của mỗi người, bởi sức khỏe không có thì lấy đâu ra sự vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc?”, vị bác sĩ chia sẻ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật ở người Việt, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp. Cùng với đó, số người mắc và tử vong cao do bệnh không lây nhiễm gây ra cũng xuất phát từ lối sống và sự chủ quan như: Hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thừa cân béo phì, tăng huyết áp. Về phía mạng lưới y tế cơ sở chưa quản lý được các bệnh mãn tính, nhiều nơi năng lực còn hạn chế, đại bộ phận người dân chưa có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm và lười rèn luyện thể chất.
Đành rằng, thay đổi được thói quen sinh hoạt của một ai đó không dễ dàng gì, nhưng với việc chăm lo sức khỏe cho bản thân thì là một việc đáng làm và phải biết cách chăm sóc ngay từ khi chưa có bệnh. Và đặc biệt, việc tập luyện thể dục thể thao nên được quan tâm hàng đầu, tạo thói quen tập luyện ngay từ khi còn trẻ, ở độ tuổi thanh thiếu niên với những bài tập phù hợp. Đôi khi chỉ là việc đi bộ khoảng 10.000 bước chân mỗi ngày cũng đã có thể tác động cả về thể chất lẫn tinh thần làm thay đổi cuộc sống, nâng cao sức khỏe bản thân. Bởi việc tập luyện còn giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng, chống trầm cảm cũng như các vấn đề về tâm lý khác. Song song với tập luyện phù hợp, mỗi người dân cần tạo thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm.
Mới đây, Bộ Y tế đã làm gương với việc phát động chương trình “Sức khỏe Việt Nam” bằng hình thức sinh động: Nhân viên ngành y tế hưởng ứng tập thể dục giữa giờ. Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn, kêu gọi các cấp, các ngành cùng đồng hành với ngành y tế thực hiện sứ mệnh nhân văn, cao cả: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chương trình “Sức khỏe Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018 nhằm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Mục tiêu của chương trình là giúp hơn 90 triệu người dân Việt Nam khỏe mạnh hơn. Triển khai chương trình hiệu quả cũng là cách để làm theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong phong trào thể dục thể thao. Cách đây 73 năm (1946), trong bài “Sức khỏe và thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, Người đã viết: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Và đó cũng chính là “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác.
SƠN TRÀ