Không chỉ tinh thông nghề nghiệp
Đứng mãi bên giường bệnh, cầm tay bệnh nhân một cách nhẹ nhàng, dịu dàng… và săm soi kỹ từng vết khâu nhỏ! Vị bác sĩ ấy ngày nào cũng làm việc đó, nét mặt tươi tỉnh hơn lên khi đoạn cánh tay đứt lìa của bệnh nhân được nối lại trở nên hồng hào sau từng ngày. Tôi đã chứng kiến hình ảnh ấy khi đến thăm một trường hợp bị tai nạn lao động đứt lìa bàn tay phải và được cứu chữa kịp thời bởi một bác sĩ vi phẫu giỏi. Bệnh nhân ấy đã rưng rưng trong niềm xúc động khôn tả vì mình như được sinh ra lần thứ hai trên đời.
Và anh nói rằng, bác sĩ điều trị cho anh còn vui hơn cả anh lẫn người nhà, khi ngày nào cũng sờ nắn, kiểm tra kỹ càng và dành cả việc của điều dưỡng để vệ sinh vết thương cho anh. Sau này, tôi còn biết, khi đã hồi phục, anh đã đem đến tận bệnh viện một cặp gà, nguyên cả buồng chuối để cảm ơn vị bác sĩ ấy. Đó là thành quả anh làm được từ đôi tay lành lặn của mình và người đầu tiên anh nghĩ đến là vị bác sĩ đã tận tâm cứu chữa cho anh…
Những câu chuyện đẹp ấy không hiếm gặp ở các bệnh viện, khi mà đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm tận tụy để cứu chữa cho bệnh nhân. Cho dù vì hoàn cảnh, điều kiện thực tế, không phải tất cả các bệnh nhân đều được cứu chữa thành công.
Hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn chứng kiến những thầy thuốc vì bệnh nhân của mình mà không ăn, không ngủ, đứng chôn chân hàng chục tiếng đồng hồ bên bàn mổ, chạy đua với thời gian để cứu sống bệnh nhân. Còn có những bác sĩ, dù bị bệnh nhân mắng té tát, thậm chí hành hung vẫn cố chịu đựng để băng bó cho xong vết thương của họ, bởi bệnh nhân ấy vừa gây tai nạn do quá chén trong một cuộc nhậu. Có chị điều dưỡng ở bệnh viện tâm thần, ngày nào cũng “cưng nựng”, chăm sóc, bón từng thìa cơm cho bệnh nhân, dù bệnh nhân thỉnh thoảng lại “tặng” cho chị ấy “một bợp tai”. Nhưng chị vẫn nói rằng, đó là nhiệm vụ của mình và chị càng phải yêu thương người bệnh hơn bởi họ đã quá khổ khi mắc bệnh rồi.
Để ngày càng có nhiều hơn những câu chuyện đẹp, dĩ nhiên rằng, mỗi nhân viên y tế phải tự trau dồi, rèn luyện mình cả về trình độ chuyên môn lẫn thái độ ứng xử với bệnh nhân. “Bệnh viện như một xã hội thu nhỏ, mà ở đó có cả mặt tốt lẫn mặt xấu”, một lãnh đạo bệnh viện tỉnh đã chia sẻ như vậy khi đề cập đến các vấn đề của bệnh viện. Vị lãnh đạo ấy cũng cho rằng, khi đã chọn nghề y, hầu như ai cũng xác định sẽ vất vả và nỗ lực cống hiến cho công việc mình đã lựa chọn là khám chữa bệnh cho bệnh nhân; ai cũng mong muốn mọi bệnh nhân đều được chữa khỏi, không có bất cứ sự cố nào xảy ra. Tuy nhiên, về phía cộng đồng xã hội cần có sự sẻ chia và thấu cảm, dù rằng trên thực tế vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”. Bệnh nhân và thân nhân cần phải nắm bắt quy trình khám chữa bệnh để không gây áp lực không đáng có cho nhân viên y tế.
Hôm nay ngày 27-2, Ngày Thầy thuốc Việt Nam-một ngày đặc biệt không chỉ với những người thầy thuốc khi được tôn vinh mà còn đặc biệt với cả cộng đồng xã hội. Và cũng bởi thế, đạo đức nghề nghiệp của nghề y hay còn gọi là y đức cũng trở nên đặc biệt, không giống với bất cứ ngành nghề nào khác. Bởi thế y đức đã được đề cập từ rất sớm qua lời thề Hippocrates, được sinh viên y khoa nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đọc khi chuẩn bị ra trường và hành nghề. Y đức còn được Bộ Y tế quy định bởi 12 điều cụ thể nhằm buộc mọi nhân viên y tế tuân theo. Trong những ngày này, càng thấm lời Hồ Chủ tịch căn dặn trong thư Người gửi cán bộ ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam cách đây 64 năm, ngày 27-2-1955. Bức thư chỉ vỏn vẹn 368 từ nhưng thể hiện 3 nội dung chính, đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh; Xây dựng nền y học nước nhà. Trong thư Bác dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Người nhấn mạnh rằng: “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.
SƠN TRÀ