Tết sạch không rác!
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, công tác chỉnh trang, vệ sinh môi trường từ thành phố đến thông thôn đang được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và người dân khẩn trương thực hiện.
Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung nhân lực, phương tiện bảo đảm bảo vệ sinh môi trường tại các điểm tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng năm mới, đồng thời kêu gọi người dân không xả rác thải nơi công cộng, nhất là các ngày cao điểm Tết và khoảng thời gian sau giao thừa, tạo điều kiện cho các đơn vị vệ sinh được nghỉ Tết.
Từ nhiều năm nay, việc vứt, xả rác bừa bãi tràn lan trong thời điểm vui Tết đón Xuân đã trở thành vấn nạn, gây bức xúc dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Sau màn bắn pháo hoa mừng năm mới, các quảng trường, khu vui chơi tràn ngập rác, cảnh vật xơ xác, ngổn ngang những chai lọ, túi nilon, giấy, vỏ bánh kẹo, thức ăn thừa, chai nhựa khiến công nhân môi trường phải thức suốt đêm để dọn dẹp. Rác cũng tràn ngập các hội vui Xuân, khu du lịch, lối dẫn vào các đền, chùa dù ở đó có những tấm biển ghi rõ “Xin bỏ rác vào thùng”, “Nói không với xả rác”, “Cấm xả rác”.
Bức xúc với tình trạng xả rác đêm giao thừa, nhiều bạn trẻ trong đó có Huỳnh Lập - quán quân Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ 2015 đã viết trên trang cá nhân của mình lời chia sẻ: “Chúng ta hãy đón giao thừa một cách văn minh và nhân đạo. Mọi người đừng xả rác bừa bãi khi đứng xem pháo hoa để các cô, các chú vệ sinh đỡ cực và được về sớm đoàn viên cùng gia đình. Một hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn”.
Nhớ lại chỉ trong 4 ngày Tết Mậu Tuất 2018, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội thu gom 16.000 tấn rác thải, trong đó có lượng rác không nhỏ thu về sau thời khắc bắn pháo hoa mừng năm mới ở khu vực Hồ Gươm. Và nếu chịu khó thống kê, lượng rác thải ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn nhỏ khác trong cả nước trong mấy ngày Tết hẳn còn “khủng” hơn nữa.
Khi lên tiếng kêu gọi người dân không xả rác trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019, hẳn các địa phương muốn “gợi nhớ” những hình ảnh không đẹp về rác thải trong dịp Tết năm rồi, mong muốn người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, ứng xử có văn hoá với thiên nhiên, với những khu vui chơi, di tích, danh thắng.
Bức xúc trước vấn nạn rác thải cứ “đến hẹn lại lên” trong dịp vui Tết đón Xuân, dư luận cho rằng để xảy ra tình trạng trên có trách nhiệm của cơ quan chức năng. Nếu các sự kiện được tổ chức chu đáo, trong đó có tính đến phương án bảo đảm vệ sinh môi trường, thì sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng rác thải bị vứt, xả tràn lan. Người dân cũng cho rằng việc quản lý rác thải trong những ngày Tết cần được siết chặt hơn với việc cơ quan chức năng có biện pháp chế tài thật nghiêm khắc đối với những cá nhân hoặc đơn vị vi phạm. Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là văn bản pháp lý để chế tài đối với những người xả rác bừa bãi.
Quả thật, đã đến lúc cần có sự giám sát chặt chẽ và phạt nặng hành vi xả rác nơi công cộng. Việc bố trí lực lượng tại các khu vực công cộng, khu du lịch vào các dịp Tết để giám sát và xử phạt thật nặng những người vô ý thức không phải là việc quá khó đối với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng.
Không xả rác bừa bãi là chúng ta dành sự yêu thương nhiều hơn cho anh chị công nhân vệ sinh, giúp họ hoàn thành sớm công việc, về đón năm mới cùng gia đình.
Không xả rác bừa bãi cũng có nghĩa là chúng ta đang góp phần làm cho đất nước này sạch hơn, xanh hơn, đẹp hơn mỗi độ Xuân về.
Chung tay thực hiện “Tết sạch không rác” là góp phần nâng cao ý thức về xây dựng không gian sống trong lành, lan tỏa thói quen không xả rác trong cộng đồng.
NGUYỄN HƯNG NHƠN