Hãy là người tiêu dùng thông minh trong mùa mua sắm Tết
Tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (từ mồng 1 đến 30 tháng Chạp) đã được các địa phương, các doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo; và ở thời điểm hiện tại (ngày 17, tháng Chạp) tất cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bia rượu, bánh kẹo, hàng hóa thiết yếu… đã lên kệ, vào quầy để chờ đón một mùa mua sắm nhộn nhịp nhất trong năm.
Hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đều được các địa phương trong cả nước dự trữ ở mức cao hơn so với các năm gần đây. Cụ thể, tại Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết ước tính vào khoảng 28,5 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được dự trữ ở mức 18,4 ngàn tỷ đồng; chưa tính hơn 10,8 ngàn tỷ đồng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị, trong đó, hàng bình ổn thị trường đạt mức hơn 4,2 ngàn tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh BR-VT, theo ước tính của ngành công thương, lượng hàng dự trữ năm nay tăng lên 15-25% so với Tết Mậu Tuất, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến công nghiệp, rau củ quả, bánh kẹo, rượu bia và đồ uống các loại… (thịt, cá các loại tăng 25%, thực phẩm chế biến đông lạnh tăng 15%, rau củ quả các loại tăng 30%, đồ uống tăng khoảng 22%).
Trong mùa mua sắm đón chào năm mới, tùy theo điều kiện kinh tế và “gu” thưởng lãm hương vị Tết của từng gia đình, mà cách lựa chọn hàng hóa, thời điểm mua sắm cũng khác nhau. Có nhà thì thong dong mua sắm từ sau rằm tháng Chạp, có người thì mãi tận 29, 30 mới ào đi một vòng để sắm sanh. Nhờ sự chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào của các địa phương, của hệ thống siêu thị, bán buôn, bán lẻ; nhờ sự chủ động của các DN trong việc sản xuất và cung ứng hàng hóa đủ chủng loại với mẫu mã đa dạng, đang là cơ hội để người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn, mua sắm phục vụ Tết.
Nhưng điều lo lắng, luôn thường trực nỗi ám ảnh của người tiêu dùng là việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Bởi thực tế cũng đã cho thấy, khi lượng hàng hóa đưa ra thị trường càng nhiều, sức mua càng tăng, càng dồn dập, thì cũng là “mùa làm ăn” của những cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái. Không chỉ kỹ thuật sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, mà phương thức kinh doanh hàng giả, hàng nhái thời thương mại điện tử cũng khiến hàng giả, hàng nhái khó kiểm soát thêm. Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng thực tế tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng nội gắn mác hàng ngoại vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nhất là vào thời kỳ cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Trước thực trạng đó, nhằm bảo đảm an toàn cho sức khỏe của đại gia đình trong niềm vui đón chào Xuân mới, mỗi người khi đi sắm Tết hãy là một người tiêu dùng thông minh trong thời thương mại điện tử. Khi chọn mua các sản phẩm phục vụ Tết, người tiêu dùng không nên chỉ nghe vào những lời quảng cáo mà cần phải xem xét nhiều yếu tố về chất lượng, mẫu mã, hạn sử dụng. Mặc dù, quảng cáo giúp người tiêu dùng có thêm nhiều thông tin, nhưng nếu cách tiếp cận không có chọn lọc, người mua dễ bị ảo tưởng về giá trị thực của sản phẩm. Đồng thời, người mua cần quan tâm đến các chỉ dấu chất lượng, phải tìm hiểu kỹ xem nhà sản xuất có công bố công khai rộng rãi, minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm hay không. Đi siêu thị sắm Tết trong những ngày này, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc hàng hóa chỉ sau vài giây quét mã QR-code. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, cả thế giới hiện hữu trong chiếc điện thoại thông minh của mỗi người, việc quét mã QR-code đang trở thành một phương thức hiện đại trong thói quen mua sắm của những người tiêu dùng thông minh.
HOÀNG LÊ