"Trải nghiệm Tết..."
Cháu tôi sinh ra và lớn lên ở TP. Melbourne (Australia), nơi có khá đông người Việt sinh sống. Cháu chưa từng về Việt Nam cho đến năm 20 tuổi, nhưng đã biết đến Tết cổ truyền của dân tộc một cách cơ bản do cộng đồng người Việt xa xứ tổ chức cùng sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam ở Australia.
Lần đầu tiên, ở tuổi 20 cháu được sum vầy cùng họ hàng ở một vùng quê miền Trung để đón Tết cổ truyền, nơi vẫn lưu giữ truyền thống dựng cây nêu trước nhà ngày Tết, có các trò chơi dân gian vui nhộn… Cháu đã vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được tự tay gói những chiếc bánh chưng xanh bằng lá dong; ngồi bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng trong đêm giao thừa, nhận tiền lì xì của ông, bà, chú, bác mình trong sáng mùng 1 Tết; lại còn được mời đi “xông đất” nhà này, nhà nọ vì hợp tuổi, lại tươi tỉnh, mau mắn. Vui nhất là được sửa soạn Tết với đầy đủ mâm cỗ có thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, được trang hoàng nhà cửa đón Tết và đi tảo mộ những ngày cuối năm. Khi trở về Melbourne, cháu đã viết những dòng vô cùng xúc động trên trang facebook cá nhân rằng: “Đó là những trải nghiệm hạnh phúc nhất trong đời tôi về Tết Việt. Ước gì tôi được ăn Tết ở quê nhà nhiều hơn nữa lúc tôi còn bé thơ để được cảm nhận niềm vui, hạnh phúc của những đứa trẻ háo hức đón năm mới…”.
Lâu nay, có luồng dư luận vẫn cho rằng, có lẽ nên bỏ Tết cổ truyền hoặc gộp vào với Tết Dương lịch, vì “ăn” những 2 Tết là quá tốn kém và là gánh nặng cho vô số phụ nữ Việt khi phải oằn lưng trong mấy ngày Tết để lo toan, dọn dẹp… Cũng có người cho rằng, lâu nay đã “chẳng còn Tết” đúng nghĩa, mà chỉ là dịp để tiêu tiền hoang phí, cả năm vất vả làm lụng, dành dụm chỉ để “đốt” trong mấy ngày Tết!
Tất nhiên rằng, khi chúng ta hội nhập toàn cầu với sự giao thoa văn hóa sẽ khó tránh khỏi mai một phần nào nét truyền thống, kể cả đối với Tết cổ truyền, khi mà trong năm chúng ta đã có nhiều lễ hội hơn, chúng ta được hưởng thụ nhiều hơn về cả văn hóa tinh thần lẫn vật chất. Không như thủa “ông bà ta” ở những năm rất lâu về trước, chỉ đến Tết cổ truyền mới có mâm cao cỗ đầy, mới được thưởng thức văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian.
Tôi cho rằng, bản thân mình cũng như số đông người Việt vẫn rất thích và yêu Tết, vẫn có rất nhiều cảm xúc khi trải nghiệm hương vị, không khí Tết cổ truyền, háo hức, xúc động trong giây phút giao thừa, khi đứng trước bàn thờ tổ tiên để cầu cho một năm mới bình an, để kiểm điểm bản thân khi một năm cũ đã trôi qua! Tôi cũng cho rằng nếu được hỏi, phần đông trẻ con, dù ở thành thị hay nông thôn đều trả lời rằng “thích Tết”, cho dù Tết ở thời hiện đại trẻ con không còn quá háo hức để chờ được mặc áo mới, được tặng bao lì xì hay ăn cỗ Tết. Trẻ con thời nay thích Tết để được đi du Xuân, được trải nghiệm những trò chơi dân gian, được đến những vùng miền xa lạ, được về quê thăm ông bà, tổ tiên. Còn nhớ, có một chương trình tái hiện Tết cổ truyền khá ấn tượng do Công ty TNHH Truyền thông & Sự kiện Sao Mai tổ chức trong vài ba năm qua đã thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Các em đã rất háo hức khi được trải nghiệm Tết như gói bánh chưng, bánh tét, cùng Ông Đồ viết thư pháp, chơi các trò chơi dân gian, ngắm cây nêu và tặng quà cho bạn nghèo… Và khi chương trình kết thúc, bé nào cũng quyến luyến, nuối tiếc trong niềm vui khó tả!
Tết không chỉ là dịp để các gia đình đoàn viên, sum vầy, con cháu cả năm làm ăn xa xứ có dịp trở về quê hương đất tổ để báo hiếu ông bà, cha mẹ; Tết còn là dịp để cộng đồng, làng xóm tụ họp, cùng giao lưu để hiểu và thông cảm với nhau hơn, mọi khúc mắc, xích mích trong năm nếu có được hóa giải. Tết để những người nghèo khó được quan tâm, được chia sẻ bằng những phần quà, những mái ấm đong đầy yêu thương, tình nhân ái.
“Trải nghiệm Tết”, thay vì “ăn Tết” đó đang là xu hướng hiện nay, khi mà Tết cổ truyền đang dần trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Việt! Không quá lời khi nói rằng Tết cổ truyền là một di sản văn hóa, gìn giữ đầy đủ những giá trị tinh thần đặc trưng của con người và đất nước Việt Nam.
Tôi cũng đồng tình với chia sẻ của một bạn trẻ rằng: “Tết không phải chỉ có ăn, Tết cũng chẳng phải là mùa dọn dẹp, càng không nên là gánh nặng của riêng mình ai, không phải những lo toan, không phải là thước đo hoàn hảo. Tết nên là dịp mẹ có thể ngồi lâu hơn ở tiệm nail để chăm chút cho bộ móng; là việc chị có thể mua nhiều hơn cái váy để ra mắt nhà người yêu; Tết cũng là dịp ba có thể ngồi chiến với bác hàng xóm ván cờ tướng lâu hơn mà chẳng sợ mẹ la oai oái; và em cũng có thể ngồi cặm cụi tô vẽ bao lì xì chúc Tết tặng ông bà chứ không phải vật lộn với đống bài tập, phương trình, hàm số. Tết nên là việc cả gia đình cùng nhau trải nghiệm những điều giản đơn nhưng ý nghĩa”.
SƠN TRÀ