.

Duy trì, bảo vệ đất nông nghiệp!

Cập nhật: 17:19, 23/12/2018 (GMT+7)

Hai năm trở lại đây, nhiều tỉnh thành phía Nam ráo riết rà soát, thu hồi hàng loạt dự án “treo” để trả lại đất lúa cho nông dân. Điều này đã khiến cho hàng triệu nông dân vui mừng vì có đất trở lại để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Không chỉ bị “treo” bởi phong trào quy hoạch đất nông nghiệp làm khu công nghiệp, khu đô thị ồ ạt, dàn trải, thiếu định hướng, những năm qua việc sử dụng đất nông nghiệp (ĐNN) cho các mục đích phát triển du lịch, giao thông, xây dựng thủy điện cộng với quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, sạt lở đất do biến đổi khí hậu… cũng khiến diện tích đất nông nghiệp trong cả nước bị suy giảm đáng kể, trung bình mỗi năm giảm trên 52.000ha.

Thậm chí, có nơi để cho người dân lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép không bị xử lý, gây khó khăn phức tạp và làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất. Điều này cho thấy ĐNN ở nước ta chưa được sử dụng hợp lý, khoa học, gây lãng phí tài nguyên đất, làm xáo trộn đời sống một bộ phận nông dân. 

Nhiều chuyên gia nông nghiệp lo ngại rằng, việc quản lý, sử dụng ĐNN sai mục đích có thể khiến cho ngành nông nghiệp phát triển thiếu toàn diện. Nỗi lo đó không phải là không có cơ sở khi mà hiện nay, mỗi năm nước ta dư thừa khoảng 7 triệu tấn gạo, nhưng ngược lại phải nhập khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp khác ở mức cao kỷ lục như bắp, đậu tương. Việc “biến mất” của mỗi ha đất trồng lúa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của từ 10-13 lao động nông nghiệp. 

ÐNN có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước, do vậy việc “cắt” ĐNN cho công nghiệp, đô thị và các mục đích khác cần phải được tính toán thận trọng hơn. Dân số nước ta sẽ tăng lên 100 triệu người vào năm 2020, trong khi diện tích ĐNN không còn nhiều, cả nước chỉ còn hơn 9 triệu ha ĐNN, trong đó có hơn 4 triệu ha đất trồng lúa. Để bảo đảm an ninh lương thực một cách bền vững, bằng mọi giá phải bảo tồn quỹ ĐNN hiện có khi mà một bộ phận người dân vẫn còn thiếu đói. Nếu thị trường không hoạt động tốt hoặc do thiên tai xảy ra, dù nước ta có dư thừa gạo để xuất khẩu nhưng các vùng có mức lương thực thấp như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… vẫn có thể xảy ra nạn thiếu đói cục bộ. Và điều đáng lo ngại là biến đổi khí hậu có thể tác động nặng nề đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi cư trú và sản xuất của hơn 18 triệu dân và được xem là vựa lúa lớn nhất nước, cung cấp 55% sản lượng gạo, hơn 60% lượng thủy sản và 70% lượng trái cây cho cả nước. 

Theo dự báo, trong 30 năm tới, cùng với sự gia tăng dân số, mức tiêu dùng gạo của người dân sẽ không giảm. Do vậy, cần có một quy hoạch toàn diện và chiến lược hơn cho phát triển nông nghiệp, không chỉ tập trung cho cây lúa mà còn cân đối hài hòa cho các cây lương thực khác. Nói cách khác, cần có chiến lược giữ diện tích ĐNN và cho phép một cơ cấu sử dụng ĐNN linh hoạt - có thể trồng lúa hay sản phẩm nông nghiệp khác, phù hợp với thị trường, hơn là giữ diện tích lúa. Tất nhiên, lúa vẫn là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nước ta và để giữ diện tích cho loại cây trồng chiến lược này, cần đầu tư thỏa đáng vào hạ tầng, khoa học, công nghệ, phát triển nhân lực, thông tin và thị trường…, để người nông dân thấy có lợi sẽ thủy chung với cây lúa. 

Để bảo tồn quỹ ĐNN, việc cần làm trước mắt là khẩn trương rà soát, triển khai thu hồi ĐNN bị bỏ hoang bởi tình trạng quy hoạch “treo”, chấm dứt tình trạng “xí phần” rồi chuyển nhượng lòng vòng đầu cơ đất đai trong khi nhiều nông dân cần đất ở, đất sản xuất lại không có. 

HẢI LĂNG

 

.
.
.