Thành phố không rác
Hơn một năm nay, hai bên tuyến đường Trường Sa-Hoàng Sa nối liền từ ngã ba Long Sơn về TP.Vũng Tàu quá nhiều rác, bốc mùi hôi nồng nặc.
Ai đi qua đây cũng thấy cảnh gai mắt: Bịch nilon đủ màu sắc đựng rác nằm la liệt ven đường. Những trận mưa lớn kéo dài khiến nước rỉ rác đọng thành từng vũng, hoặc chảy tràn khắp nơi. Người dân vì một lý do nào đó mà xả rác ra đường. Xe rác cũng xếp hàng dài chờ đưa rác đi xử lý. Những đống rác xấu xí ngày càng đầy thêm, ngập ngụa mùi hôi thối. Điều đáng nói, đây là tuyến đường dẫn vào địa điểm du lịch nổi tiếng của BR-VT: Di tích Nhà Lớn Long Sơn. Cửa ngõ vào thành phố du lịch bỗng trở nên xấu xí và “mất điểm” trong mắt du khách, không chỉ là hình ảnh nhếch nhác mà còn là tình trạng ô nhiễm môi trường đang báo động. Một người bạn ở TP.Hồ Chí Minh xuống Vũng Tàu du lịch phàn nàn: “Tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa vắng xe, rộng, cảnh đẹp là lựa chọn thú vị để đến Vũng Tàu. Thế nhưng, đoạn đầu từ QL51 đến cầu Bà Nanh toàn rác. Mùi hôi thối và những vũng nước đen ngòm khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi. Đó là chưa kể, khi vào tham quan TP.Vũng Tàu, dọc đường lên ngọn Hải Đăng, rác thải cũng đầy hai bên”.
Mới đây, tôi đọc được thông tin trên internet: Thị trấn Kamikatsu, Nhật Bản có hơn 1.700 hộ dân nhưng hoàn toàn không có cọng rác ngoài đường. Thị trấn nhỏ này đã từ bỏ việc đốt rác ngoài trời vì nó gây nguy hại cho môi trường và con người. Tại đây không có những xe tải chở rác, người dân phải tự phân loại và mang rác của họ tới trung tâm xử lý rác của thị trấn. Tại đây có 34 thùng rác khác nhau để đựng từng loại rác, từ rác hữu cơ đến rác tái chế. Việc phân loại rác và bỏ rác đúng nơi quy định đã được người dân làm như một thói quen hàng ngày. Công nhân của trung tâm này chỉ làm nhiệm vụ giám sát quá trình phân loại và hướng dẫn người dân làm sao cho đúng. Những vật dụng đã dùng có thể tái sử dụng sẽ được bán lại cho các cửa hàng quần áo, đồ chơi, phụ kiện... Có khoảng 80% rác thải được tái sử dụng và 20% còn lại được đưa tới nơi xử lý rác. Được biết, Kamikatsu bắt đầu đưa ý tưởng trở thành thị trấn không rác từ năm 2003 và sẽ hoàn thiện điều này vào năm 2020, nhưng hiện nay, thị trấn này đã không còn rác thải ra môi trường.
Sẽ là điều khập khiễng khi so sánh thị trấn Kamikatsu với TP.Vũng Tàu, kể câu chuyện trên để thấy rằng, khi chính quyền và người dân cùng chung tay, quyết liệt vào cuộc với những việc làm cụ thể, thường xuyên, lâu dài, thì cũng rất có thể một ngày nào đó, Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố không rác. Mưa dầm thấm lâu, những việc làm thường xuyên sẽ trở thành một thói quen hàng ngày. Vũng Tàu là thành phố du lịch, mà du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Lãnh đạo thành phố đã rất quyết liệt thực hiện mục tiêu này. Bằng chứng là từ năm 2016, TP.Vũng Tàu đã triển khai hàng loạt chiến dịch làm sạch bãi biển, vận động người dân và du khách để rác đúng nơi quy định, không tổ chức nấu nướng và ăn uống dưới bãi biển, nơi công cộng… Nhờ đó, bãi biển đã sạch hơn, trong lành hơn, du khách đến với Vũng Tàu ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, với định hướng phát triển du lịch bền vững, TP.Vũng Tàu phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường, kể cả ở khu du lịch lẫn trong khu dân cư.
Kỳ nghỉ lễ 2-9 lại sắp tới. TP.Vũng Tàu không thể đón du khách với những hình ảnh xấu xí nêu trên. Vũng Tàu phải tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách - không chỉ là hải sản ngon, bãi biển đẹp, phong cách phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp mà còn phải là thành phố sạch - thành phố không rác.
THẢO PHƯƠNG