Những chiếc vòng kim cô
Trong tác phẩm kinh điển Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không phải mang trên đầu suốt hành trình thỉnh kinh Tây Trúc chiếc vòng kim cô ma thuật mà Bồ Tát đặt vào để quản thúc. Rất nhiều lần, Ngộ Không bị Đường Tăng trừng phạt oan bằng cách niệm chú siết chặt vòng kim cô. Đường Tăng vốn tâm Phật, hễ cứ thấy Ngộ Không hại người (dù chưa biết rõ người hay yêu) thì cứ thẳng tay niệm chú.
Vòng kim cô, trở thành điển tích văn học, biểu tượng cho những thứ vô hình chụp vào đầu, trói buộc hành động, trói buộc tư duy.
Mới đây, trong một lần trò chuyện với thầy giáo, cô giáo và học sinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc đến chiếc vòng kim cô đang trói buộc cách thức, phương pháp dạy học và mối quan hệ ứng xử giữa thầy - trò. Trong mối quan hệ đó, thầy được coi là chuẩn mực, học trò chỉ biết dạ - vâng. Đó là chiếc vòng kim cô đang siết chặt khả năng tiếp cận về một phương pháp dạy - học mới. Ở đó học trò là trung tâm, được cởi trói về tư duy, thỏa sức sáng tạo, được bày tỏ chính kiến và tự giải quyết vấn đề. Giáo viên chỉ là người trợ giúp, cả về kiến thức và kỹ năng để đảm bảo học sinh đúng, phù hợp với chuẩn mực xã hội.
Chắc hẳn những bậc cha mẹ có con cái đang đến trường, đều phải thừa nhận rằng, việc uốn nắn những suy nghĩ cứng nhắc mà con mang từ lớp học là rất khó khăn. Chúng ta đã từng nghe những câu phản biện, đại loại như: “Không, cô giáo con bảo thế!”. Tôi có cảm tưởng, rất nhiều học sinh đã được gieo vào suy nghĩ: Thầy cô là chân lý. Mọi chuyện thầy cô đặt ra đều tuyệt đối và học sinh không dại dột làm lệch. Kể cả khi những sự hướng dẫn của cha mẹ là mở rộng thêm để trẻ giải quyết vấn đề một cách trọn vẹn.
Chiếc vòng kim cô, đã được đặt vào con trẻ một cách vô hình, từ rất sớm như vậy.
Tất nhiên, theo thời gian, theo sự trưởng thành và biến đổi về tâm sinh lý, học trò sẽ dần định hình tư duy độc lập, sẽ tránh được tính rập khuôn. Nhìn sâu thêm, trong nền giáo dục nước ta, không phải mọi sản phẩm được đào tạo ra đều bị hạn chế về sự sáng tạo. Chúng ta vẫn có những học sinh nổi bật, không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới về những sản phẩm sáng tạo. Nhưng đánh giá một cách phổ quát, thì tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi, khả năng tự giải quyết vấn đề và sự tự tin trong giao tiếp, kỹ năng ứng xử trước các mối quan hệ xã hội của học sinh ở nước ta chưa được như các nền giáo dục khác.
Cũng bởi vậy, dù đời sống chưa hoàn toàn giàu có, nhưng nhiều bậc cha mẹ đã ráng sức cho con theo học trường quốc tế trong nước và coi đó là sự đầu tư cho tương lai. Một số người khác, từ rất sớm đã bắt đầu chuẩn bị hành trang cho con du học ở các nước tiên tiến. Ngoài chuyện chất lượng giảng dạy, với nhiều bậc cha mẹ, đó là cách để cho trẻ được tiếp cận với một phương thức giáo dục mới.
Nói một cách hình ảnh, nhiều phụ huynh đang tự học “thần chú” để tránh vòng kim cô siết chặt tương lai con cái. Vấn đề đặt ra cho cả một nền giáo dục là bao giờ cả hệ thống mới thoát khỏi vòng kim cô để mọi học sinh cùng được thụ hưởng sự đổi mới?
HOÀNG PHỐ