Gìn giữ văn hóa dân tộc qua các môn thể thao truyền thống

Chủ Nhật, 17/09/2023, 16:23 [GMT+7]
In bài này
.

Bên cạnh các môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp, hiện đại, nhiều môn thể thao truyền thống dân tộc đến nay vẫn được duy trì và có sức hút mạnh mẽ trong nhân dân. Đây không chỉ là môn thể thao giúp người dân rèn luyện sức khỏe, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Các vận động viên tham gia môn kéo co tại Hội thao Dân tộc thiểu số tỉnh năm 2023.
Các vận động viên tham gia môn kéo co tại Hội thao Dân tộc thiểu số tỉnh năm 2023.

Không thể thiếu trong các hội thao

Đẩy gậy, kéo co, cờ tướng, cà kheo hay nhảy bao bố… là những môn thể thao không thể thiếu tại các chương trình hội thao của các đơn vị, sở, ngành. Đặc biệt, đây còn là “món ăn tinh thần” của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Tháng 8 vừa qua, Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc tổ chức thành công Hội thao Nông dân năm huyện 2023 với sự tham gia của hơn 400 VĐV là các hội viên nông dân đến từ các xã trên địa bàn.

Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, đây là hội thi truyền thống hàng năm được các cấp Hội duy trì suốt nhiều năm qua. Trong đó, đẩy gậy, kéo co, vác lúa về nhà… là những môn thể thao không thể thiếu của hội thi. Theo ông Linh, việc duy trì các môn thể thao truyền thống tại hội thao hàng năm không chỉ giúp các hội viên nông dân rèn luyện sức khỏe, tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa của dân tộc.

“Năm nào hội thao cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình của các hội viên. Đặc biệt, những môn thể như kéo co, đẩy gậy, luôn tạo không khí vui tươi, được đông đảo hội viên yêu thích, hưởng ứng nhiệt tình”, ông Linh cho hay.

Ông Trần Văn Điệp, người dân huyện Xuyên Mộc cho biết, năm nào ông cũng tham gia môn kéo co tại các hội thao do địa phương tổ chức. Đây là môn thể thao truyền thống mang tính đồng đội cao, với 2 đội chơi có số lượng người đều nhau, thường mỗi bên có 8-10 người. Khi thi đấu, mỗi đội sẽ nắm vào một đầu của sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng 1 dây vải đỏ làm mốc. Đội nào kéo được đội đối phương vượt qua vạch vôi là thắng cuộc. Mỗi cuộc thường thi đấu 3 hiệp, đội nào thắng 2 hiệp thì giành phần thắng.

Theo ông Điệp, mặc dù là một trò chơi mang tính cạnh tranh, nhưng kéo co không đặt nặng vấn đề thắng thua, mà quan trọng là tinh thần đoàn kết, niềm vui và gắn kết cộng đồng. Đây là môn thể thao tập thể, bởi vậy đòi hỏi toàn đội phải có sự phối hợp ăn ý giữa các vị trí để tạo nên sức mạnh chung cho toàn đội.

“Trong các lễ hội, hội thao, hay bất kỳ giải thi đấu nào, mỗi khi diễn ra các trận thi đấu của môn kéo co thì không khí trở nên vô cùng náo nhiệt, tạo thành tâm điểm, thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Qua đó, tạo sự gắn kết vô cùng to lớn trong cộng đồng”, ông Điệp chia sẻ.

Trong khi đó, đẩy gậy cũng là môn thể thao rất hấp dẫn tại các hội thi. Tuy là môn thể thao đơn giản, chỉ cần 1 cây gậy thẳng làm bằng tre già, hay những thanh gỗ tốt là có thể chơi được. Sân thi đấu cũng chỉ là bãi đất trống bằng phẳng, rồi vẽ thành 1 vòng tròn để 2 người thi đấu bên trong, người xem đứng xung quanh cổ vũ. Hai người chơi bước vào vòng tròn, cố dùng sức đẩy đối phương té ngã hay văng ra khỏi vòng tròn coi như thắng cuộc. Song để chơi tốt môn này, không chỉ cần sức khỏe, mà còn đòi hỏi phải có kỹ thuật, chiến thuật kết hợp sức mạnh, sự khéo léo, tâm lý ổn định thì khi đó người chơi mới làm chủ được cuộc thi.

Quy tụ đông đảo người dân tham gia

Điểm cơ bản của những môn thể thao truyền thống dân tộc là không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật, khá đơn giản, dễ chơi, quy tụ đông đảo mọi người cùng tham gia và không phân biệt giới tính, tuổi tác... Không khí đông vui, tưng bừng náo nhiệt, đoàn kết gắn bó giữa nhân dân ở các cuộc thi đấu kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố… rất phù hợp với không gian các lễ hội, ngày lễ, Tết, hội thao. Dù thắng hay thua, tất cả mọi người khi tham gia các môn thể thao truyền thống đều rất vui vẻ, tình đoàn kết, gắn bó giữa bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp thêm bền chặt.

Ông Phùng Nguyên Tường Minh, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở VH-TT) cho biết, bên cạnh việc quan tâm đầu tư phát triển các môn thể thao hiện đại, để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc thông qua các môn thể thao dân tộc, ngành thể thao luôn khuyến khích các huyện, thị xã,thành phố trong tỉnh lồng ghép các nội dung thi đấu thể thao dân tộc vào các dịp lễ, Tết, hội thảo, Hội khỏe Phù Đổng các cấp… để vừa giúp nhân dân rèn luyện sức khỏe, tinh thần thể dục thể thao, mà đây còn là dịp để gắn kết, kết nối cộng đồng, từ đó tạo thành sức mạnh trong nhân dân. Bên cạnh đó, đây cũng là những nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.