Với Arsenal, "những vụn bánh mì" vẫn là món ngon
Kai Havertz không có mùa giải thành công cùng Chelsea, vậy liệu Arsenal có thể chờ đợi gì từ cầu thủ bị gắn mác thất bại như vậy?
Liệu rằng Havertz có phải cú lừa với Arsenal, hay sẽ được kích hoạt để bùng nổ ở sân Emirates? |
Chiến lược chuyển nhượng của Arsenal gần như không đổi những năm gần đây, họ ký hợp đồng với các cầu thủ ở mức tiềm năng, hơn là ngôi sao thành danh. Điều này khiến CLB, đặc biệt HLV Mikel Arteta và Giám đốc Thể thao Edu bị chỉ trích.
Từ câu chuyện của Odegaard
Khi Ben White gia nhập Arsenal từ Brighton với giá 50 triệu bảng, số đông người hâm mộ Arsenal lo lắng, cho rằng mức phí chuyển nhượng quá lớn. Điều tương tự xảy ra với thương vụ 30 triệu bảng mang tên Martin Odegaard. Thời điểm đó, CĐV "Pháo thủ" muốn có James Maddison hơn.
Lúc Arsenal chi 24 triệu bảng để mua Aaron Ramsdale, thủ môn người Anh phải nhận những lời lăng mạ khủng khiếp trên mạng xã hội. Cựu thủ thành Sheffield United thậm chí đối mặt với nhiều tin nhắn đe dọa.
Bất kể "Pháo thủ" mua cầu thủ này, dù cho đó là 2 bản hợp đồng đình đám trị giá 75 triệu bảng như Gabriel Jesus hay Oleksandr Zinchenko vào hè năm ngoái, tất cả đều tạo ra cuộc tranh luận. Giới chuyên môn cho rằng Arsenal phải vớ lấy "những vụn bánh mì" từ Manchester City.
Song, HLV Arteta và Giám đốc Thể thao Edu đã đúng. White, Odegaard, Ramsdale, Jesus và Zinchenko trở thành những viên gạch nền móng cho sự thay đổi ngoạn mục của Arsenal suốt 12 tháng qua. Tất cả đều được nâng tầm đẳng cấp, sắm vai mảnh ghép chất lượng trong hệ thống chiến thuật khéo léo dưới bàn tay Arteta.
Bởi vậy, khi Kai Havertz gia nhập Arsenal hôm 29/6, những hy vọng biến thành kỳ vọng. Người hâm mộ mong chờ Arteta lại giơ cây đũa thần để biến tiền vệ người Đức thành ngôi sao lấp lánh.
Mùa 2022/2023 của Havertz khép lại trong sự tồi tệ. Chelsea trượt dốc không phanh, khiến sự nghiệp tiền vệ 24 tuổi chìm nghỉm dưới bùn. Thời điểm này, cựu tiền vệ Leverkusen đến Arsenal không phải với dáng dấp nhà vô địch Champions League, mà là kẻ thất bại. Dù vậy, anh cũng ngốn của Arsenal hơn 60 triệu bảng phí chuyển nhượng.
Khi Arsenal mua Havertz, Arteta rõ ràng tin rằng bản thân có thể tạo ra khác biệt, giúp tiền vệ người Đức vươn tầm. Điều mà Thomas Tuchel, Graham Potter và Frank Lampard thất bại. Có lẽ lý do lớn nhất khiến Arteta tự tin biến Havertz thành "cầu thủ khác" nằm ở cách ông từng huấn luyện cho Odegaard, giúp tiền vệ người Na Uy phát triển ngoài mong đợi.
Cũng như Odegaard, Havertz là hiện tượng tuổi teen, xây dựng được tiếng tăm từ sớm trong màu áo Leverkusen, trở thành cầu thủ trẻ nhất cán mốc 100 trận xuất hiện ở Bundesliga. Từ Odegaard tới Havertz, họ đều có điểm chung mất phương hướng sau khi chuyển tới một đại gia châu Âu.
Havertz không phải cầu thủ dở, anh chỉ đơn giản chưa được kích hoạt đúng cách để trở thành cầu thủ đẳng cấp thế giới. Arteta biết điều đó. Arsenal cũng vậy. Đội bóng thành London tin rằng nếu thành công trong việc giúp Havertz phát huy hết khả năng, họ sẽ có một vũ khí thực sự lợi hại trên hàng công.
Ở mùa 2020/2021, Arsenal đưa Odegaard về sân Etihad. Khi ấy, tài năng người Na Uy không hề được đánh giá cao. Tình thế của Odegaard nhanh chóng đảo chiều sau 2 mùa giải, anh trở thành một trong những tiền vệ hay nhất Premier League. Tác giả của 15 bàn thắng sau 37 trận ra sân ở giải đấu cao nhất xứ sương mù mùa vừa qua.
Lịch sử của Arsenal cũng chứng kiến nhiều cầu thủ "lột xác" hoàn toàn sau khi gặp khó khăn trong bước chuyển lớn đầu tiên. Ví dụ, Patrick Vieira chỉ có 2 lần ra sân ở đội 1 của AC Milan trước khi tìm đến Arsenal. Dennis Bergkamp cũng trải qua thời gian không hạnh phúc ở Inter Milan, nhưng sự nghiệp sang trang lúc gia nhập "Pháo thủ". Thierry Henry là huyền thoại của Arsenal, nhưng trước đó thất bại ở Juventus.
Từ Vieira tới Bergkamp, sau Henry đến Odegaard, họ toàn gương mặt bị gắn mác "thất bại" hoặc "hàng thừa" ở thời điểm gia nhập Arsenal. Nhưng cũng nhờ vậy, "Pháo thủ" không tốn quá nhiều tiền cho các phi vụ này. Phần còn lại như người ta vẫn thường gọi, đó đã là lịch sử.
Chờ Arteta ra tay
Havertz, theo nhiều cách, cũng gần giống với các đàn anh. Giá của tài năng người Đức có thể lên tới khoảng 65 triệu bảng (kèm theo các điều khoản bổ sung). Tuy nhiên, 3 năm trước, Chelsea tốn đến 72 triệu bảng để thuyết phục Bayer Leverkusen bán cầu thủ.
Trong thời gian huấn luyện Arsenal, chiến lược gia Arsene Wenger từng có tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi không chiêu mộ những siêu sao, chúng tôi tạo ra họ". Thời thế thay đổi một chút kể từ thời điểm ấy. Với Havertz, nhiều người sẽ tranh cãi khi cho rằng cầu thủ này chưa phải "siêu sao". Hai năm trước, tiền vệ người Đức từng ghi bàn trong trận chung kết UEFA Champions League, theo đó mang cúp tai voi danh giá về cho Chelsea.
Dù vậy, tuyên bố của Wenger phần nào vẫn đúng nếu chiếu theo những gì Arteta đang làm. Sau tất cả, Arsenal vẫn coi họ là CLB nơi các cầu thủ có thể phát triển và cải thiện. Bến đỗ cho những tiềm năng chưa được khai phá.
Điều này càng kích thích sự tò mò trong người hâm mộ Arsenal, họ háo hức muốn xem liệu Arteta có thể nhào nặn Havertz thành "kiệt tác" hay không. Một cầu thủ với đẳng cấp vượt trội so với những gì tồi tệ từng được nhìn thấy ở Chelsea.
Hè này, Havertz tới Arsenal với dấu hỏi lơ lửng. Anh có tài năng thật sự hay đơn giản chỉ là bản hợp đồng "hạng B". Một cú lừa trong nhận thức của người hâm mộ. Cầu thủ tưởng chừng có thể làm mọi thứ, nhưng chẳng thực hiện được điều gì ra trò.
Trong lần trả lời phỏng vấn với báo chí, Havertz từng thừa nhận mùa đầu tiên ở Chelsea với anh sẽ là thảm họa nếu nó không kết thúc với bàn thắng ghi vào lưới Manchester City trong trận chung kết Champions League. Một năm qua, khi nói đến Havertz là nhắc tới cầu thủ gây thất vọng nhiều hơn thất bại. Có điều gì đó bí ẩn xung quanh tài năng 24 tuổi này.
Dù vậy, Arsenal gieo xúc xắc với cựu tiền vệ Bayer Leverkusen. Một canh bạc đã bắt đầu. Hãy chờ xem Havertz sẽ làm được gì ở Arsenal và Arteta có tiếp tục trở thành ảo thuật gia đại tài. Chỉ thời gian trả lời được điều đó!
DI CẦM