Philippe Troussier vẫn cần linh hoạt về lối chơi
HLV Philippe Troussier muốn thay đổi lối chơi cho U22 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, nhưng điều đó cần nhiều thời gian. Hơn nữa, ông cũng phải linh hoạt về lối chơi dựa trên năng lực của từng cá nhân cầu thủ.
HLV Troussier cần xây dựng lối chơi linh hoạt cho Việt Nam. |
Tại SEA Games 32, đội tuyển U22 Việt Nam có những trận thắng nhưng chưa sướng mắt. HLV Philippe Troussier xác định hướng tới xây dựng lối chơi kiểm soát bóng và chủ động tấn công nhằm vươn tầm thế giới cho bóng đá Việt Nam nói chung.
Dẫu vậy, đội U22 Việt Nam đang ở trong giai đoạn "vỡ bài" dưới thời HLV người Pháp. Những bàn thắng của U22 Việt Nam ghi được cho tới thời điểm này đa phần đều đến ở những pha bóng ép đối thủ để phản công. Các học trò của HLV Troussier chưa có nhiều tình huống kiểm soát bóng rồi tịnh tiến bóng lên đều và tạo ra nguy hiểm. Hình ảnh cầm bóng và chủ động tấn công cho tới thời điểm này chưa thực sự rõ nét.
Lối chơi của HLV Troussier đang xây dựng đòi hỏi cầu thủ phải có kỹ năng tốt, pressing phải đồng bộ, hậu vệ phải biết chơi chân. Từ hàng thủ đã phải tổ chức tấn công.
Tại Việt Nam, đây vẫn là phong cách lạ. Ngay cả những đội bóng mạnh tại V-League cũng không sử dụng lối chơi này. Các đội bóng tại Việt Nam vẫn quen với lối chơi rình rập, phòng ngự phản công.
Hiện tại ở V-League, đội bóng có lối chơi gần tương đồng với đội U22 Việt Nam là Đông Á Thanh Hóa của HLV Velizar Emilov Popov. Đội U22 Việt Nam cũng có một cầu thủ của đội bóng xứ Thanh, đó là Thái Sơn. Tuy nhiên, 1 cầu thủ thì không thể tạo ra sự thay đổi toàn diện và nhanh chóng. Nhìn chung, ở cấp CLB chơi một kiểu, cấp đội tuyển lại chơi kiểu khác thì sẽ mang lại không ít khó khăn cho HLV.
Bên cạnh đó, dù các cầu thủ có kỹ năng tốt thì vẫn cần phải có thời gian làm quen. Thực tế trên thế giới, nhiều quốc gia ở châu Âu cũng có sự khác biệt về lối chơi giữa đội tuyển và CLB. Tuy nhiên, nền tảng của các cầu thủ châu Âu tốt hơn nên khả năng thích nghi với nhiều lối chơi cũng nhanh hơn.
Đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung vẫn cần sự đồng nhất giữa 2 cấp độ bóng đá. Lúc này, cấp độ CLB và đội tuyển của Việt Nam vẫn có sự vênh nhau nhất định. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đã xây dựng lối chơi kiểm soát bóng từ lâu. So với V-League, Thai League có nhiều CLB chơi bóng với phong cách chủ động này. Do đó, các cấp độ đội tuyển của Thái Lan cũng được hưởng lợi nhiều từ điều này.
Bóng đá Việt Nam không thể chỉ trông chờ vào một mình HLV Troussier có thể đạt tới tầm thế giới. Ông vẫn cần phải có sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ cấp CLB, nơi đào tạo và rèn luyện các tài năng thường xuyên so với cấp đội tuyển. Muốn vậy, bóng đá Việt Nam cần có sự chuyển mình mạnh mẽ và đồng nhất từ CLB tới đội tuyển. Điều này dĩ nhiên sẽ cần nhiều thời gian.
Ở cấp đội tuyển, Việt Nam chưa thắng được Thái Lan trong một giải đấu chính thức nào. Tại kỳ AFF Cup 2022, chúng ta cũng không thể vượt qua Thái Lan dù có đội hình chất lượng. Nhìn vào sự phát triển của bóng đá Thái Lan có thể thấy HLV Philippe Troussier có lý khi hướng tới xây dựng lối chơi kiểm soát bóng cho Việt Nam nhằm tạo ra sự đổi mới.
Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, nhưng khi thực hiện mà cảm thấy các điều kiện hỗ trợ không đúng ý thì cần phải có sự linh hoạt. Nền bóng đá Việt Nam hiện tại cung cấp những cầu thủ với phong cách khác mong muốn, HLV người Pháp không nên cứng nhắc với chỉ một kiểu chơi. Linh hoạt lối chơi vẫn là điều nên làm với đội tuyển quốc gia Việt Nam hay đội U22 Việt Nam thời điểm này.
QUANG HUY