Hướng đến một "tượng đài" bóng đá!
Truyền thông khu vực đã bắt đầu nói đến “Hiện tượng bóng đá”, “Việt Nam đang hướng đến một tượng đài” môn túc cầu, sau chiến thắng ngọt ngào đêm 8/6 của đội tuyển bóng đá U.23 Việt Nam đè bẹp U.23 Malaysia với tỉ số 2-0.
Báo chí Thái Lan phê phán đội nhà, ca ngợi “Việt Nam nhẹ nhàng đi vào vòng tứ kết giải bóng đá U.23 châu Á, tạo nguồn cảm hứng tuyệt vời cho người hâm mộ. Trước đó, U.23 Việt Nam chơi một trận kiên cường, quả cảm trước đương kim vô địch U.23 Hàn Quốc – một trận hòa xứng đáng như một chiến thắng. Dư âm sau 3 trận đấu vòng bảng của U.23 Việt Nam đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cùng với việc bảo vệ thành công Huy chương Vàng tại SEA Games31, bóng đá Việt Nam đang hướng đến “tượng đài” khu vực. Mạng xã hội và người hâm mộ có thể ngẫm suy từ môn thể thao vua!
Trong trận đấu với U.23 Hàn Quốc, ông vua sân cỏ đã cắt còi phạt thẻ nhầm! Phút 78, cầu thủ Việt Nam Nguyễn Văn Tùng bị phạm lỗi khi chuẩn bị thâm nhập cấm địa của U.23 Hàn Quốc. Trọng tài Alali ngay lập tức rút thẻ vàng với cầu thủ Lee Sang-min. Số 4 của Hàn Quốc nở nụ cười tươi đón nhận quyết định một cách vui vẻ, dù thực tế anh không phạm lỗi. Phải chăng cầu thủ này biết trọng tài sai nhưng lại có lợi cho đội nhà nên mới cười tươi đến vậy? Tuy nhiên, sau đó VAR can thiệp, xác định chính xác người phạm lỗi là Lee Jin-yong, chuẩn không cần chỉnh (!). Trong tài người Kuwait ra ký hiệu xóa án cho số 4, chuyển thẻ phạt cho số 17 đồng nghĩa với một thẻ đỏ gián tiếp – bị đuổi ra khỏi sân - dành cho cầu thủ này của Hàn Quốc. Trong hiệp một, số 17 Lee Jin-yong từng phải nhận một thẻ vàng do vào bóng nguy hiểm, khiến tiền vệ Việt Nam Lý Công Hoàng Anh bị đau phải nằm sân.
Trọng tài dù dày dạn kinh nghiệm đến cỡ nào cũng là con người nên vẫn có lúc nhầm lẫn đáng tiếc. Cũng như tòa án, xử sai kết tội oan cho người thì phải sửa án oan, phải bồi hoàn danh dự và sự thua thiệt bằng vật chất về oan khuất. Cái hay là quyết định đưa ra sai thì sửa ngay lập tức không chần chừ, không làm hoen ố sự trung thực, chân chính.
Kết thúc trận đấu thứ 2 của vòng bảng, hai ông HLV trưởng U.23 Việt Nam và U.23 Hàn Quốc đều là người Hàn có thái độ lịch thiệp, ấm áp. Ông Gong Oh-kyun của U.23 Việt Nam vui thì đã đành, vì đội yếu hơn mà cầm hòa coi như thắng. Ông nói: “Tôi lên kế hoạch phải thắng Hàn Quốc. Chúng tôi không cần phải hòa. Tôi xin lỗi người hâm mộ vì chưa có trận thắng!”. HLV Hwang Sung-hong của U.23 Hàn Quốc thẳng thắn: “Việt Nam ghi bàn vào lưới Hàn Quốc xứng đáng, đâu phải may mắn. Họ chơi có tổ chức, pressing rất tốt. HLV Gong Oh-kyun đã làm rất tốt công việc của mình, tạo ra một đội bóng tuyệt vời”.
Truyền thông chính thống và mạng xã hội khu vực khen ngợi sự ứng xử lịch sự, tinh thần thể thao cao thượng, không cay cú - ăn thua đủ như cách hành xử của HLV trưởng nọ của một đội bóng khu vực, khi thua thì mặt mũi nhăn nhó, phản ứng không văn hóa! Làm bóng đá là làm ngoại giao, lấy sự lịch thiệp, chân thành, hợp tác, thân thiện lên hàng đầu. Hình ảnh một Việt Nam thi đấu cao thượng, mến khách trong các trận thi đấu bóng đá và các bộ môn khác tại SEA Games 31 rất được bạn bè quốc tế ngợi ca.
U.23 Việt Nam vào tứ kết sẽ đọ sức với đội nhất bảng D vào đêm 12/6. Các trận túc cầu hấp dẫn giải U.23 châu Á còn tiếp tục đi đến trận bán kết, trận chung kết vào đêm 19/6. Kết quả các trận đấu vòng tứ kết của đội tuyển U.23 Việt Nam còn phía trước. Thắng và thua, đoàn quân áo đỏ có đi đến trận chung kết hay không cũng là lẽ thường tình trên sân cỏ. Điều quan trọng là các chiến binh sao vàng dưới sự chèo lại của HLV Gong Oh-kyun như nhận xét của truyền thông khu vực “Đang rất tuyệt vời”, thi đấu ngoan cường, quả cảm, cháy hết mình, chơi thứ bóng đá tiến công mãn nhãn; thái độ ứng xử lịch thiệp, ấm áp trong tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác, tôn vinh thể thao trung thực, cao thượng, dành được tình cảm tuyệt đối của người hâm mộ.
Bại không nản, thắng không kiêu, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Đó là bài học của thành công, biết mình biết người!
QUỐC TOÀN