.

Sức hút từ môn thể thao "quý tộc"

Cập nhật: 19:39, 10/06/2022 (GMT+7)

Golf được mệnh danh là môn thể thao “quý tộc” bởi chi phí để chơi môn này khá đắt đỏ. Tốn kém nhưng golf vẫn ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Riêng Hội golf BR-VT quy tụ đến hơn 800 golfer, là 1 trong 3 hội golf đông nhất cả nước.

Anh Mạc Kim Hữu với một cú vung gậy chuẩn và xa.
Anh Mạc Kim Hữu với một cú vung gậy chuẩn và xa.

Vượt qua chính mình

12 giờ trưa, những chiếc xe điện nối nhau chở các golfer (người chơi golf) ra sân Paradise (TP.Vũng Tàu). Dường như cái nắng rát bỏng của mùa hè không ngăn được đam mê với bộ môn thể thao này của golfer. Ở sân phát bóng, anh Mạc Kim Hữu (94 Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) “nháp” mấy cái trước khi đưa gậy driver vung cú đánh xa hơn 300 yards. Bóng bay tít tắp, mắt anh vẫn hướng theo quả bóng, gậy ngang phía sau lưng, mũi chân phải của anh nhón lên về phía trước. Quả phát bóng đầy cảm hứng của anh Hữu đã giúp những người chơi trong nhóm thêm hứng khởi.

Theo lời kể của anh Hữu, 11 năm trước, anh được một người bạn Úc rủ chơi golf. Ban đầu anh chỉ nghĩ “chơi cho biết với người ta”. Nhưng càng chơi, càng tập luyện, anh lại càng đam mê. Sau 6 tháng tập, lần đầu tiên anh ra sân golf  Long Thành (Đồng Nai) cũng chỉ với bộ gậy mượn của bạn. Sau đó thì mua gậy cũ, rồi từ từ anh sắm dần bộ gậy mới thương hiệu XXIO 1.100 của Nhật với mức giá 70 triệu đồng/bộ. Hơn 10 năm kể từ khi bén duyên với môn golf, anh Hữu không nghĩ rằng, có ngày mình lại “mê golf đến mất ăn mất ngủ”.

“Có thời gian rảnh là tôi lên Yotube để tìm hiểu về golf, xem các chương trình trên tivi về golf, đọc sách để nghiên cứu bài bản hơn về bộ môn này… Mỗi khi ra sân, chỉ cần đánh hỏng một cú, đêm về không ngủ được, chỉ mong sắp xếp được thời gian ra sân, chinh phục bằng được cú đánh mà mình làm chưa tốt ngày hôm trước”, anh Hữu kể.

Khi đam mê với golf, anh Hữu cũng dần cho con trai và con gái tập golf. Rồi vợ anh cũng nghĩ rằng, chị cần phải tập golf để hiểu hơn môn này để nói chuyện với chồng và con. Cứ thế, trong câu chuyện của gia đình anh luôn có những chia sẻ, trải nghiệm về golf. Kể cả những chuyến đi xa, gia đình anh cũng thường gắn với những cuộc hẹn chơi golf với bạn bè.

Anh Nguyễn Văn Tám (công tác tại PV GAS) bắt đầu chơi golf từ năm 2015. Ban đầu, theo lời rủ rê của bạn bè anh chỉ nghĩ “dạo chơi với môn này cho biết” nhưng không ngờ nghiện golf lúc nào không hay. Hiện nay, handicap (điểm chấp) của anh là 18. Anh Tám cho rằng, golf là môn thể thao khó, đòi hỏi kỹ thuật, tập trung cao độ. Nhưng golf cũng là môn thể thao cực kỳ thú vị bởi nó là môn thử thách vượt qua chính mình. Mỗi lần đánh hỏng, cảm giác tiếc nuối và kích thích mình ngày hôm sau phải ra sân. Môn golf cũng thể hiện rất rõ tính cách của người chơi “điềm đạm hay nóng vội… ”.

Môn golf không chỉ thu hút cánh đàn ông con trai, nhiều chị em phụ nữ cũng mê mẩn môn thể thao quý tộc này. Bất chấp trời nắng, chị Nguyễn Thị Thu Bình (làm việc tại Bảo hiểm PVI Vũng Tàu) diện chiếc áo màu cam rực rỡ, trang bị vớ chống nắng, nón mũ để ra sân thi đấu giải “Fair ways to life 2022” do Hội Golf  BR-VT tổ chức. Chị Bình cho biết, 10 năm trước, ngay từ khi mới làm quen với bộ môn này chị đã say mê nó. Đó là lý do chị đầu tư hẳn bộ gậy của Nhật 84 triệu đồng để tập khi chưa hiểu nhiều về golf.

Khi chơi “sành”, ngoài các sân golf tại BR-VT, chị cùng các golfer khác khi có thời gian lại xách gậy đi khắp các sân golf trên cả nước thậm chí chinh phục các sân golf của các nước trên thế giới. Với chị Bình, chơi golf là một thú vui, giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả. “Việc khám phá vẻ đẹp và chinh phục độ khó của các sân golf cũng cực kỳ thú vị khiến bộ môn golf hấp dẫn ma lực với tôi. Ngoài ra, khi tham gia bộ môn này cũng giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ với bạn bè, đối tác, giúp công việc của tôi thuận lợi hơn”, chị Bình chia sẻ.

Các golfer tham gia giải “Fair ways to life” do Hội Golf BR-VT tổ chức.
Các golfer tham gia giải “Fair ways to life” do Hội Golf BR-VT tổ chức.

Sức hút mãnh liệt

Nói golf là môn thể thao “quý tộc” thì cũng không sai, bởi nó khá tốn kém. Hiện nay, tại BR-VT, một khóa tập golf với giáo viên chuyên nghiệp có mức giá từ 5-10 triệu đồng. Sau khi tập cứng, người chơi có thể ra sân, tiền sân giao động từ 2-3 triệu đồng/buổi. Vào các ngày cuối tuần, dịp lễ, tiền thuê sân có thể cao hơn 5-7%. Ngoài ra, người chơi còn phải đầu tư gậy, trang phục cũng khá nhiều tiền.

Theo khảo sát, giá các bộ gậy của Nhật hoặc Mỹ thường giao động từ 50-100 triệu đồng/bộ đầy đủ 14 gậy. Với những người mới tập thường chọn những bộ gậy bình dân, những bộ chỉ có 9-10 cây cơ bản hoặc gậy cũ với mức giá từ 7-10 triệu đồng/bộ.

Mặc dù tốn kém, đắt đỏ nhưng môn golf đang ngày càng thu hút nhiều người chơi kể cả phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, Hội Golf BR-VT hiện có hơn 800 golfer và là 1 trong 3 hội golf có đông thành viên nhất trong cả nước. Theo các golfer, sở dĩ môn golf thu hút nhiều người chơi, đặc biệt là các doanh nhân bởi trên sân người chơi sẽ gặp rất nhiều thử thách như: bóng rơi vào bẫy cát, bẫy nước hay cây cối rậm rạm hoặc thời tiết khắc nghiệt… Đó là những trở ngại mà người chơi sẽ cần sử dụng những kỹ thuật điêu luyện kết hợp với nỗ lực và tinh thần quyết đoán để vượt qua.

Theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT DIC Cons, Phó Chủ tịch Hội Golf BR-VT, cũng giống như trong kinh doanh, ngoài những yếu tố may mắn, doanh nhân cũng có thể gặp phải những thời điểm khó khăn và luôn cần có kỹ năng cùng sự tập trung cao độ để dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua. Các kỹ năng mềm quan trọng như xử lý tình huống, quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng, quản lý thời gian… đều có thể được rèn luyện và thực hành trong quá trình tham gia bộ môn thể thao quý tộc này.

Trong khi đó, theo anh Hiếu, một golfer gắn bó với golf hơn 5 năm cho hay, nếu những môn thể thao khác là đối kháng, thì đánh golf, lại là đánh với chính mình: Một người, một gậy, một bóng. Golf là viết tắt của 4 chữ: Green (màu xanh); Oxygen (không khí); Light (ánh sáng); Friend (bạn bè). Vì vậy, khi đến với golf, người chơi sẽ được sống trong một thế giới ngập tràn những điều đặc biệt, đầy cuốn hút. Tất cả những điều đó tạo nên văn hóa golf, tạo nên sức hút kỳ diệu từ bộ môn đắt đỏ này.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Ngoài mục đích chính là tập luyện, giữ sức khoẻ dẻo dai và tinh thần minh mẫn, Hội Golf còn quan tâm nhiều đến công tác từ thiện. Cụ thể, 14 năm qua, hội đã tổ chức thành công nhiều giải đấu, trong đó nổi bật là các giải golf từ thiện được tổ chức hàng năm, thu hút hơn 200 golf thủ tham gia, quyên góp ủng hộ cho các hoạt động từ thiện từ 2 -2,7 tỷ đồng/năm. Từ nguồn đóng góp này, hội đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện như: xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ các ca mổ tim cho các trẻ em bị tật bẩm sinh; ủng hộ cho quỹ khuyến học; tặng xe đạp cho HS nghèo hiếu học… và nhiều hoạt động từ thiện khác.

 

.
.
.