Năm 2016, Pep Guardiola không đổ bộ vào nước Anh một mình mà còn mang theo luồng tư tưởng thay đổi toàn bộ bộ mặt bóng đá xứ sương mù. Nhưng tác động nào cũng có 2 chiều, và chính Guardiola cũng đã phải thay đổi theo người Anh.
Joao Cancelo là biểu tượng toàn năng mới của Pep. |
Tính chiến thuật xâm nhập mạnh mẽ là thứ mà người Anh cảm nhận được đã tồn tại từ những trận đấu nghiệp dư, những trận đấu 5 đấu 5, những trận đấu giải trẻ đến đương nhiên là bóng đá đỉnh cao khi Guardiola đến nước Anh.
Nhưng đương nhiên là Premier League không phải pháo đài mà Guardiola cứ muốn đến chinh phạt là được. Thất bại trong mùa đầu tiên ở Man City đã chứng minh điều đó, và Pep cũng nhận ra một điều rằng ông phải thay đổi.
Khi mới đến, Guardiola tự tin đội bóng của mình có thể kiểm soát trận đấu, điều chỉnh nhịp độ tấn công bằng những tiền vệ không cần phải quá khỏe mạnh. Bằng chứng là ông mua Gundogan và loại bỏ Yaya Toure.
Nhưng rất nhanh thôi, Pep nhận ra cách tiếp cận đó không hiệu quả ở Ngoại hạng Anh. Tại đây, bạn cần một tiền vệ trung tâm phải rất mạnh ở không chiến và tranh chấp tay đôi. Ngoài ra, khi cần thiết, các tiền vệ phải lấp vào khoảng trống mà các trung vệ để lại khi dâng lên tấn công, thế nên sức mạnh là điều bắt buộc. Rodri chính là cách mà Pep sửa sai.
Đánh giá của Guardiola về các trọng tài cũng thay đổi phong cách của ông. Trọng tài ở Anh có xu hướng “tự nhiên hóa” trận đấu, không can thiệp quá nhiều vào những pha tranh chấp - vốn là đặc sản của Ngoại hạng Anh. Thế nên, Pep hiểu mình cần những cầu thủ có thể chất tốt để nếu trọng tài không thổi phạt sau khi bị ngã, thì anh ta phải lập tức đứng dậy lao vào cuộc giằng co quả bóng tiếp.
Bóng đá Anh cũng khiến Guardiola hiểu rằng đôi khi ông cần thêm những nhân sự ở giữa sân, nói cách khác là có thêm “tiền vệ” để đảm bảo khả năng kiểm soát. Và thế là các hậu vệ biên thường xuyên được kéo vào trung lộ và chơi như những tiền vệ trung tâm thực thụ. Ví dụ điển hình nằm ở Joao Cancelo và Kyle Walker.
Tiếp theo, thứ mà Guardiola khó tiếp thu nhất nhưng rốt cuộc cũng phải chấp nhận, đó là bóng đá Anh không hoàn toàn logic lý tính, mà thường xuyên có những trận đấu đẩy cảm xúc. Cứ như thể 2 võ sỹ quyền anh hạng nặng lao vào nhau, đối kháng trực diện, liên tục, đôi khi mất kiểm soát, cho tới khi một người ngã xuống.
Ở trận đấu cách đây không lâu trước Newcastle, Guardiola quyết định để Cancelo đứng thật cao bên cánh trái, qua đó buộc Allan Saint-Maximin cũng phải lùi sâu để theo kèm. Nhưng Newcastle cũng hiểu rằng khoảng không gian phía sau lưng Cancelo là rất lớn và họ sẽ tấn công vào. Pep đương nhiên hiểu nhưng dám chơi liều lĩnh, để rồi thu về chiến thắng 5-0, với Cancelo góp 1 kiến tạo. Đấy là chiến thuật ra đời bằng kinh nghiệm 6 năm ở nước Anh.
Một tỷ số 2-0 sau hiệp 1 có thể tương đương với trận đấu đã kết thúc ở Tây Ban Nha hoặc Đức. Nhưng chuyện như thế không diễn ra ở Anh. Giữ bóng chắc không đảm bảo những biến cố không thể xảy ra. Đây là thứ Pep muốn các học trò thuộc nằm lòng, như mình đã từng thức trắng nhiều đêm để đốc rút.
Sức ép từ trên khán đài, từ đối thủ là những điều biến Premier League trở nên đặc biệt. Man City có thể mạnh vượt trội trên lý thuyết, nhưng chưa bao giờ chắc thắng bất cứ trận đấu nào. Cẩn thận không bao giờ là thừa ở đây.
Cuối cùng, Pep cũng đã cải thiện rất nhiều khả năng giàn xếp bóng chết ở cả 2 đầu sân của mình. Đây là một điểm yếu của ông ở Barca và Bayern. Thực tế, nói là điểm yếu thì cũng... không hẳn bởi chưa cần đến bài tấn công đó, Barca và Bayern đã quá mạnh.
Nhưng theo chiều phát triển tự nhiên của bóng đá thế giới, chẳng có gì đảm bảo một đội mạnh sẽ thắng áp đảo hay dễ dàng. Và những tình huống cố định sinh ra là để cứu rỗi những thế trận bế tắc.
Mùa 2021/22 chứng kiến Man City chỉ thủng lưới đúng 1 lần bóng chết. Đó là quả phạt góc trong trận gặp Aston Villa vào tháng 12. Ở chiều ngược lại, họ ghi tới 21 bàn từ bóng chết, chiếm hơn 21% tổng số bàn thắng của họ trong chiến tích vô địch mùa này.
Có lẽ đến chính Pep cũng không nhận ra ông đang rất giống một HLV làm việc ở Anh kiểu mẫu. Nhưng bản thân Pep rất thích phiên bản hiện tại của mình và muốn ở lại xứ sương mù càng lâu càng tốt.
HÀ TRANG