.

Kỳ vọng và thực tế

Cập nhật: 19:43, 28/12/2021 (GMT+7)

Hàng loạt những trụ cột của đội tuyển Việt Nam dính chấn thương cùng sự cố tiền vệ Hùng Dũng không thể có mặt ở Singapore đã khiến sức mạnh đội bóng của chúng ta suy yếu so với năm 2018. Đấy cũng là phần nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam chính thức trở thành cựu vương AFF Cup 2020.

1. Tại AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam đã khiến các đối thủ khiếp sợ bởi sự chặt chẽ trong hệ thống vận hành sơ đồ chiến thuật cũng như sự xuất sắc của các cá nhân. Xuyên suốt vòng bảng, ĐT Việt Nam không bị thủng lưới bàn nào. Đến bán kết và chung kết, lưới của Văn Lâm mới bị rung lên tổng cộng 4 bàn. Điều đáng nói 3/4 bàn thua của ĐT Việt Nam ở giải đấu năm đó là những tình huống cố định, còn lại các đối thủ đều “lắc đầu chào thua” vì rất khó xuyên thủng lưới Văn Lâm.

Một trong những lý do giúp ĐT Việt Nam đứng vững trước các đối thủ vì nhân sự hàng thủ chơi rất tốt. Thế nhưng đến AFF Cup 2020, chấn thương không kịp bình phục của Văn Lâm, Trọng Hoàng, Văn Hậu, Đình Trọng đã khiến HLV Park Hang-seo phải thay đổi nhân sự.

Đó là chưa kể, đến trận bán kết lượt về, Duy Mạnh không thể thi đấu vì chấn thương càng khiến hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam bị xô lệch. Đặc biệt, sát giờ lên đường sang Singapore thì tiền vệ Hùng Dũng cũng không thể sang đảo quốc Sư tử vì những quy định chặt chẽ trong việc nhập cảnh của nước chủ nhà AFF Cup. Nói thế để thấy, ĐT Việt Nam đã gặp trục trặc ngay từ khi AFF Cup 2020 chưa khởi tranh khi có quá nhiều trụ cột vắng mặt.

2. Sau kỳ AFF Cup 2018 thất bại, bị loại ngay ở bán kết, Thái Lan đã rất quyết tâm để đòi lại vị trí số 1 của bóng đá ĐNA. Thế nên, ngay từ tháng 9, LĐBĐ Thái Lan đã làm việc với các CLB Nhật Bản để tạo điều kiện cho 2 ngôi sao Chanathip và Theerathon được sang Singapore dự AFF Cup 2020 bởi giải đấu này không nằm trong hệ thống của FIFA. Có được 2 cầu thủ ở hàng thủ và hàng công, cộng với việc tiền vệ trung tâm Sarach trở lại sau chấn thương đã giúp Thái Lan chơi cứng cáp và sắc bén hơn. Phải nói rằng đội bóng xứ Chùa Vàng rất quyết tâm vô địch nên ở trận cuối vòng bảng, họ cất nguyên đội hình chính bên ngoài sân để giữ sức cho trụ cột và đến bán kết, những nhân sự tốt nhất của Thái Lan mới xung trận.

Quả thực, Thái Lan đã thay đổi rất nhiều so với kỳ AFF Cup 2018 và sức mạnh hiện tại của họ còn khủng khiếp hơn giai đoạn 2014-2016, quãng thời gian mà đội bóng xứ Chùa Vàng làm Vua ở bóng đá khu vực. Còn với ĐT Việt Nam, sau quãng thời gian thành công 2018-2020 thì hiện tại, đội bóng do HLV Park Hang-seo đã bị suy yếu nhân sự cũng như sức mạnh nên không thể bảo vệ chức vô địch.

3. Sau khi Văn Hậu, Trọng Hoàng hay Hùng Dũng không thể góp mặt ở AFF Cup 2020 thì Văn Thanh, Hồng Duy và Tuấn Anh được lựa chọn thay thế ở hai biên cũng như vị trí tiền vệ trung tâm. Tuy nhiên, ở những trận đấu mang tính quyết định như gặp Indonesia ở vòng bảng hay 2 trận vòng bán kết với Thái Lan thì 3 cầu thủ nói trên không có phong độ cao. Tuấn Anh dường như có dấu hiệu quá tải nên không còn duy trì khả năng tranh chấp tốt ở tuyến giữa.

Đó là chưa kể, các pha thoát pressing vốn là đặc sản của anh cũng ít được thi triển. Bên cạnh đó, Hồng Duy còn mắc sai lầm dẫn đến bàn thua ở trận bán kết lượt đi, còn Văn Thanh bị cất trên băng ghế dự ở trận bán kết lượt về. Những nhân tố thay thế cho Trọng Hoàng, Văn Hậu hay Hùng Dũng bị “xịt” phong độ nên điều đó ảnh hưởng nhiều đến sức mạnh của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2020.

Thất bại ở AFF Cup 2020 là nỗi buồn, nỗi thất vọng của người hâm mộ vì họ đã kỳ vọng quá nhiều, nhưng đó là thực tế mà chúng ta phải chấp nhận. Sau thất bại này, HLV Park Hang-seo sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ, mạnh dạn làm mới mình, nhằm hướng tới những mục tiêu lớn hơn.

THƯ KỲ

.
.
.