Sức ép của V-League
Tiếp sau Cúp quốc gia - Bamboo Airways 2020, LS V-League 2020 sẽ trở lại vào cuối tuần này sau đợt nghỉ kéo dài hơn 2 tháng vì tác động của dịch COVID-19. Sau những kịch tính, gay cấn đã được thấy tại loạt trận vòng 1/8 Cúp quốc gia, chắc chắn, các trận đấu thuộc vòng 3 V-League 2020 diễn ra sau đây ít ngày rất được chờ đợi.
Than Quảng Ninh chịu tổn thất về lực lượng khi Hồng Quân bị đau lưng ở trận thắng Nam Định tại Cúp quốc gia. |
Việc thay đổi thể thức thi đấu, chỉ có 1 đội xuống hạng, chia làm 2 nhóm sau giai đoạn lượt đi để xác định đội vô địch cũng như chủ nhân của tấm vé xuống hạng duy nhất vô hình chung khiến những tính toán cả về chiến thuật lẫn nhân sự ở hầu hết các đội bóng ít nhiều có chuyển biến.
Về cơ bản, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Than Quảng Ninh… vẫn là những ứng cử viên tiềm năng nhất cho danh hiệu vô địch tại V-League năm nay. Nhưng có một chi tiết mà chúng ta cần phải lưu ý là thể thức thi đấu đã thay đổi, 8 đội dẫn đầu bảng xếp hạng sau khi kết thúc giai đoạn 1 sẽ đá tranh ngôi vô địch.
Với số điểm hiện có sau 2 vòng đấu trước khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ hội tiến sâu mở rộng cho cả những CLB vốn dĩ không được coi là ứng cử viên vô địch trước đó như Sài Gòn FC, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Sông Lam Nghệ An, Hải Phòng.
Nhưng suy cho cùng, đó mới chỉ là những nhận xét, đánh giá trên lý thuyết còn thực tế diễn ra như thế nào câu trả lời là ở trên sân cỏ. Với mật độ thi đấu 5, 6 ngày/trận ở giai đoạn sắp tới tại V-League, việc duy trì thể lực, phong độ của các cầu thủ là bài toán nan giải với bất cứ ban huấn luyện nào.
Ngay cả khi luật thay tối đa 5 cầu thủ trong 3 lượt thay người sẽ được đưa vào áp dụng tại V-League thì nguy cơ chấn thương, chuyên môn sa sút là có thực vì không phải CLB nào cũng có lực lượng đủ dày mà ở đó chênh lệch trình độ giữa cầu thủ đá chính và dự bị là không đáng kể.
Trên thực tế, ngay từ các trận đấu tại vòng 1/8 Cúp quốc gia, không ít CLB đã không thể sử dụng đội hình tốt nhất của mình vì chấn thương hoặc nhận thêm các mối lo mới từ những trận đấu này.
Đơn cử như trường hợp của Than Quảng Ninh khi không thể sử dụng Hải Huy và Xuân Tú trong trận gặp Nam Định. Hà Nội FC thì vắng Văn Quyết khi tiếp đón đại diện hạng Nhất Đồng Tháp. B.Bình Dương hay SHB Đà Nẵng, Viettel còn vướng vào những mối lo lớn hơn ở trường hợp của Tiến Linh, Hà Đức Chinh và Trọng Hoàng, những trụ cột dù ra sân nhưng lại gặp chấn thương đáng tiếc ở các mức độ khác nhau.
Không riêng gì các CLB mà chính HLV trưởng Park Hang Seo cùng các trợ lý của mình khi đến dự khán những trận đấu thuộc vòng 1/8 Cúp quốc gia cuối tuần qua đã phải “giật mình” khi chứng kiến những cầu thủ vốn đang là thành viên đội tuyển quốc gia nằm sân hoặc rời sân sớm vì chấn thương.
Mặc dù đợt tập trung gần nhất của đội tuyển Việt Nam phải đến ngày 30/8 mới bắt đầu nhưng điều đó không có nghĩa nguy cơ chấn thương không khiến HLV Park Hang-seo đau đầu, nhất là khi ông thầy người Hàn Quốc vốn đã mất Đình Trọng, Duy Mạnh, Xuân Trường, Huy Hùng vì chấn thương dài hạn.
Niềm đam mê sân cỏ, khao khát được thi đấu sau thời gian dài tập chay chính là động lực khiến các cầu thủ khi có cơ hội ra sân đều muốn cống hiến tối đa với 100% sức lực của mình, thậm chí còn hơn thế. Nhưng chính việc mới chỉ trở lại thi đấu sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh cộng mật độ thi đấu dày khiến nguy cơ suy giảm thể lực, chấn thương treo lơ lửng trên đầu các cầu thủ. V-League thi đấu trở lại chỉ thật sự hấp dẫn khi quy tụ tất cả những cầu thủ tốt nhất trong những trận cầu mang tính cống hiến, đó chính là sức ép mà V-League gặp phải.
LÂM CHI