.

Luật Thể dục thể thao: Cần điều chỉnh cho phù hợp thực tế

Cập nhật: 15:21, 13/04/2018 (GMT+7)

Luật Thể dục thể thao (TDTT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Qua gần 11 năm, bên cạnh những kết quả tích cực, Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập, cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. 

Trong thi đấu cũng như tập luyện, VĐV dễ gặp chấn thương nhưng lại chưa có chế độ, chính sách xứng đáng. Trong ảnh: Các VĐV thi đấu tại giải Taekwondo tỉnh năm 2017.
Trong thi đấu cũng như tập luyện, VĐV dễ gặp chấn thương nhưng lại chưa có chế độ, chính sách xứng đáng.
Trong ảnh: Các VĐV thi đấu tại giải Taekwondo tỉnh năm 2017.

BỘC LỘ NHIỀU HẠN CHẾ 

Ông Đặng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh cho biết, Điều 32, 33 của Luật TDTT quy định HLV, VĐV được tham gia BHXH, BHYT… Tuy nhiên, đối tượng HLV, VĐV khác với đối tượng cán bộ, công chức và người lao động về chế độ bảo hiểm chấn thương trong thể thao, tử tuất trong khi thi đấu nhưng các Nghị định và Thông tư không hướng dẫn và quy định rõ vấn đề này nên không có cơ sở, cũng như không biết trích kinh phí từ đâu để mua bảo hiểm cho HLV, VĐV.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) về việc thực hiện Luật TDTT trên địa bàn tỉnh BR-VT giữa tháng 3, ông Cường cho rằng, trong các môn thể thao, nhất là các môn đối kháng, VĐV thường xuyên gặp chấn thương. Thậm chí, một số trường hợp bị chấn thương nặng còn mất khả năng lao động… nhưng bản thân VĐV và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Do đó, Dự thảo Luật TDTT sửa đổi cần quy định các VĐV có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn thì bản thân VĐV hoặc thân nhân sẽ được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác”, ông Cường đề xuất. 

Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật TDTT về thể thao thành tích cao (TTTTC) còn chưa được cơ quan quản lý nhà nước về TDTT hướng dẫn, khiến ngành TDTT địa phương lúng túng, chẳng hạn như việc hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho VĐV không còn khả năng thi đấu (Điều 32). Điều đó khiến một số VĐV TTTTC trên địa bàn khi giải nghệ phải tự bươn chải kiếm sống, rất khó khăn.

NÊN COI ĐUA CHÓ LÀ MÔN THỂ THAO GIẢI TRÍ

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ủy ban VHGDTNTN & NĐ của Quốc hội nói trên, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Thể thao Thi đấu giải trí (SES) cho biết, SES được Văn phòng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện thử nghiệm dự án đua chó tại tỉnh BR-VT từ năm 1998. Loại hình này đã và đang thu hút khá đông khách đến xem, tham gia dự thưởng. Tuy nhiên, dù đã hoạt động 17 năm qua, nhưng Bộ Tài chính vẫn cho rằng SES chưa đủ điều kiện tổ chức đua chó có đặt cược mà phải xin giấy phép đầu tư trường đua chó có đặt cược do Thủ tướng phê duyệt. “Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Quốc hội cần kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đặt cược trên toàn quốc mà không phải xin phép đầu tư lại. SES cũng đề nghị đưa bộ môn đua chó vào loại hình thể thao giải trí trong Luật TDTT”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ nói. 

Đồng chí Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN & NĐ của Quốc hội cho rằng, những kiến nghị của địa phương là có cơ sở. Đoàn sẽ có báo cáo với Quốc hội để có ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật TDTT về chế độ cho VĐV thành tích cao, xem xét đưa môn đua chó vào loại hình thi đấu giải trí. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...

Bài, ảnh: SA HUỲNH

.
.
.