Những quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ cuộc đàm với Tổng thống Nga, đến kế hoạch rút quân khỏi châu Âu, đang làm dấy lên lo ngại về một “hoàng hôn NATO”.
![]() |
Quốc kỳ các nước thành viên NATO tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. |
Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Litva Gabrielius Landsbergis nhận định: “Đây có thể là dấu hiệu của hoàng hôn NATO”. Nhận định này được đưa ra sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với thông báo về kế hoạch rút 20.000 quân Mỹ khỏi châu Âu.
Tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Peter Hegseth đã gây chấn động khi tuyên bố “thực tế” sẽ ngăn cản Mỹ tiếp tục là nhà bảo đảm an ninh cho châu Âu. Ông còn cảnh báo các đồng minh châu Âu rằng “bây giờ là thời điểm để đầu tư vì không thể cho rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ kéo dài mãi mãi”.
Trước bối cảnh đó, Thượng nghị sĩ Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách gọi phát biểu của Bộ trưởng Hegseth là “sai lầm của người mới vào nghề”. Tuy nhiên, việc ông Hegseth không rút lại tuyên bố rằng châu Âu mất đi sự bảo đảm an ninh của Mỹ đã làm suy yếu nghiêm trọng Điều 5 của NATO - điều khoản cam kết phòng thủ tập thể của liên minh.
Học giả cấp cao thuộc Chương trình Nga và Á - Âu Keir Giles tại Viện Chatham House cảnh báo, cách tiếp cận trực tiếp (cuộc điện đàm trực tiếp) của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Nga, kết hợp với thông báo của Bộ trưởng Hegseth, là “đòn giáng kép” không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với tương lai của châu Âu.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance càng làm trầm trọng thêm lo ngại của châu Âu trong bài phát biểu tại Munich, khi tập trung vào chỉ trích vấn đề di cư và hoạt động dân chủ ở châu Âu thay vì đề cập đến cuộc xung đột ở Ukraine. Bài phát biểu chỉ nhận được những tiếng vỗ tay thưa thớt và vài cái lắc đầu lịch sự. Cựu nhà ngoại giao Mỹ Michael McFaul chỉ trích: “Thật táo bạo khi một người đã đồng hành với người truyền cảm hứng cho cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ vào năm 2021 lại đến châu Âu và nói rằng các bạn có vấn đề với nền dân chủ”.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU bày tỏ quan điểm bi quan hơn: “Chúng ta hiện có một liên minh giữa một Tổng thống Nga và một Tổng thống Mỹ muốn bỏ qua châu Âu. Liên minh xuyên Đại Tây Dương đã kết thúc”.
Nhận định này dường như báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khi mà liên minh NATO vốn được coi là quan trọng hơn bao giờ hết sau cuộc xung đột nổ ra ở Ukraine gần 3 năm trước đang đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử 75 năm của mình.
THẢO NGUYÊN