Đức lại đứng trước kịch bản kinh tế đáng quan ngại

Thứ Ba, 20/02/2024, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ngày 20/2 cảnh báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể sẽ giảm nhẹ trong quý I năm nay, đẩy nền kinh tế hàng đầu châu Âu rơi vào suy thoái trong bối cảnh Đức đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Sindelfingen, Đức.

Kinh tế Đức đã gặp khó khăn kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2022 khiến lạm phát tăng phi mã. Trong khi đó, lĩnh vực công nghiệp rơi vào tình trạng trì trệ và nền kinh tế các đối tác thương mại quan trọng đi xuống.

Trong báo cáo tháng, Bundesbank cho rằng, sau khi giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023, GDP của Đức có thể sẽ lại giảm nhẹ một lần nữa trong quý I năm nay. Báo cáo nhận định việc GDP sụt giảm trong trong quý thứ 2 liên tiếp sẽ khiến nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Theo Bundesbank, cường quốc xuất khẩu này phải đối mặt với một loạt vấn đề từ nhu cầu nước ngoài chậm lại cho đến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư trong nước giảm. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng có thể chịu ảnh hưởng của làn sóng đình công gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt và hàng không.

Mặc dù vậy, Bundesbank đánh giá "vẫn chưa có bằng chứng nào về một cuộc suy thoái theo nghĩa là hoạt động kinh tế sụt giảm dai dẳng, trên diện rộng và rõ rệt, cũng như chưa có một cuộc suy thoái như vậy đang xảy ra”.

Trong khi đó, vẫn có một số tín hiệu tích cực hỗ trợ cho nền kinh tế như thị trường lao động phát triển mạnh mẽ, tiền lương tăng và lạm phát chậm lại. Sau một loạt đợt tăng lãi suất, lạm phát ở Đức đã giảm xuống còn 2,9% trong tháng 1, không quá cao so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Theo số liệu thống kê chính thức, GDP của Đức đã giảm 0,3% trong cả năm ngoái. Mặc dù được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng các nhà quan sát gần đây đã cảnh báo rằng quá trình phục hồi có thể chậm hơn dự kiến trước đó.

Số liệu thống kê cũng cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Đức - đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa nhu cầu có thể không phục hồi như trước. Chỉ riêng thực tế đó đã có thể ảnh hưởng tiêu cực tới mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức là ô tô. Xuất khẩu ô tô của Trung Quốc đã vượt qua Đức vào năm 2022 nhờ sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của các thương hiệu xe điện nước này.

Trong khi đó, với Đạo luật Giảm lạm phát, Mỹ - điểm đến hàng đầu cho hàng xuất khẩu của Đức từ năm 2015, đã chuyển hướng bảo hộ, trợ cấp cho các nhà sản xuất năng lượng xanh và sản phẩm thân thiện với khí hậu trong nước.

Ông Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại tập đoàn dịch vụ tài chính ING, nhận định “Giống như phần còn lại của nền kinh tế Đức, xuất khẩu vẫn đang ở giao điểm giữa suy thoái và trì trệ”.

PHƯƠNG HOA

;
.