Ngày 2/12, trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai (UAE), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã kêu gọi các chính phủ loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để đẩy nhanh các mục tiêu khử cacbon.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. |
Bà Georgieva nói rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trực tiếp và gián tiếp trên thế giới đã tăng lên mức kỷ lục 7.100 tỷ USD vào năm 2022, khi các chính phủ hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong giai đoạn giá năng lượng tăng đột biến trên thị trường toàn cầu. Theo Tổng giám đốc IMF, các chính phủ nên chuyển hướng các quỹ này sang các nỗ lực khử cacbon cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển liên quan đến khí hậu.
Bà Georgieva nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng với một gói biện pháp, bao gồm định giá carbon, loại bỏ các khoản trợ cấp có hại và hỗ trợ chính sách nhằm tăng tốc quá trình khử cabon một cách có ý nghĩa, chúng ta vẫn có thể biến thập kỷ này thành một thập kỷ mà chúng ta có thể tự hào về hành động của mình”.
Người đứng đầu IMF cũng kêu gọi khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào các dự án giảm nhẹ khí hậu, đặc biệt ở các nước đang phát triển, cho rằng khu vực tư nhân sẽ cần phải bơm khoảng 80-90% các khoản đầu tư cần thiết. Theo IMF, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển hiện thải ra khoảng 2/3 lượng khí nhà kính trên toàn cầu.
Tổng giám đốc IMF Georgieva nhấn mạnh: “Chúng ta cần 5.000 tỷ USD để biến quá trình khử cacbon thành hiện thực. Câu hỏi đặt ra là 5.000 tỷ USD có phải là rất nhiều hay không?. Rõ ràng, số tiền này không hề nhỏ nhưng hãy đặt 5.000 tỷ USD bên cạnh 7.100 tỷ USD tiền trợ cấp trực tiếp và gián tiếp cho nhiên liệu hóa thạch, hoặc bên cạnh quy mô nền kinh tế thế giới trị giá hơn 100.000 tỷ USD”.
Bà Georgieva lạc quan cho rằng “thế giới đang dần chuyển sang tài chính hỗn hợp một cách có ý nghĩa nhưng chúng ta cần phải đi nhanh hơn”. Tài chính hỗn hợp là việc sử dụng tài chính phát triển để huy động thêm nguồn vốn hướng tới phát triển bền vững ở các nước đang phát triển. Tài chính hỗn hợp thu hút nguồn vốn thương mại vào các dự án phát triển bền vững đồng thời mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Về vấn đề định giá carbon, Tổng giám đốc IMF kêu gọi áp dụng rộng rãi hơn việc định giá carbon như một phần của gói biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo IMF, thuế carbon là một trong những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả nhất mà các chính phủ có thể sử dụng, đặc biệt đối với các nước phát thải lớn, phù hợp với các mục tiêu về khí hậu.
Bà Georgieva cho hay các quốc gia đã đạt được một số tiến bộ, với phạm vi áp dụng giá carbon hiện đạt gần 25%, tăng từ 10% một thập kỷ trước. Giá carbon trung bình cũng đang tăng ở những khu vực carbon được định giá, đạt 20 USD/tấn. Nhưng ở những khu vực không thực hiện định giá carbon, giá carbon trung bình sẽ giảm xuống còn 5 USD/tấn. Tuy nhiên, bà Georgieva cho rằng giá carbon cần phải đạt ít nhất 85 USD/tấn vào năm 2030. Bà nhận xét định giá carbon là một “công cụ tuyệt vời” vì nó giúp giải quyết sự bất bình đẳng và tạo ra nguồn thu mà các chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
NGUYỄN TRƯỜNG