Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu năm 2023 được dự báo chắc chắn sẽ ở mức cao nhất trong 125.000 năm qua, COP28, diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12 tại thành phố Dubai của Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), được kỳ vọng là hội nghị bước ngoặt để cộng đồng quốc tế điều chỉnh hướng đi và tăng tốc hành động nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Đất khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài tại tỉnh Camaguey, Cuba. |
Với chủ đề "Gắn kết - hành động - hiệu quả", COP28 dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 70 ngàn người, trong đó có hơn 160 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, môi trường, giới khoa học cũng như thanh niên từ khắp nơi trên thế giới. Đây là con số kỷ lục so với mọi kỳ COP trước đây.
Hai tuần đàm phán sẽ khởi động bằng Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới, diễn ra trong các ngày 1 và 2/12. Sự kiện này được xem là nền tảng đưa ra các tuyên bố quan trọng và tạo động lực cho các hội nghị còn lại của COP28.
Là khuôn khổ đa phương duy nhất để phối hợp hành động toàn cầu, COP28 sẽ thảo luận một chương trình nghị sự dày đặc, với hàng loạt chủ đề quen thuộc từ khí hậu, tài chính, thương mại, năng lượng, môi trường, thiên nhiên, đại dương, nông nghiệp và nước… nhằm tìm kiếm các biện pháp cụ thể để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp, xây dựng khả năng phục hồi và huy động tài chính trên quy mô lớn.
Ngoài ra, 2 chủ đề mới sẽ được thảo luận tại COP năm nay là sức khỏe và cứu trợ, với mục đích thúc đẩy các chính sách và đầu tư nhằm bảo vệ cuộc sống và sinh kế, hỗ trợ khả năng phục hồi và sự ổn định của cộng đồng.
Với những chủ đề thảo luận trên, nước Chủ tịch UAE đã đề ra 4 mục tiêu chính của hội nghị, gồm: đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng; ổn định tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế làm trọng tâm của hành động khí hậu; và nỗ lực để đưa COP28 trở thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay.
COP28 còn được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất trong 8 năm qua về ứng phó biến đổi khí hậu, bởi đây là lần đầu tiên các bên chính thức đánh giá những nỗ lực trong việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, COP28 phải là nơi để khẩn trương thu hẹp khoảng cách về tham vọng khí hậu. Các chính phủ phải có những bước tiến táo bạo tại COP28 để đi đúng hướng trong việc tránh cuộc khủng hoảng khí hậu, đồng nghĩa COP28 phải là một bước ngoặt rõ ràng.
Theo ông Guterres, các chính phủ không những phải nhất trí về các hành động khí hậu mạnh mẽ hơn, mà còn phải bắt đầu chỉ ra chính xác cách thực hiện chúng, bởi trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang "kỷ nguyên nung nóng toàn cầu".
Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên nộp bản đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là 1 trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên (cùng với Indonesia và Nam Phi) tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
PHƯƠNG THỊNH