PHÁP ĐỐI MẶT THẢM HỌA RỆP

Kỳ 1: Lũ rệp tấn công khắp mọi nơi

Thứ Sáu, 10/11/2023, 18:42 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay trước khi tuần lễ thời trang thế giới khai mạc ngày 3/10/2023 tại thủ đô Paris và sau đó là giải vô địch quốc tế bóng bầu dục, Thế vận hội Olympic, Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic, nước Pháp phải đối mặt với sự bùng nổ của loài rệp. Không chỉ xuất hiện trong các phòng khách sạn, rệp còn tìm thấy trên nhiều tuyến xe điện ngầm, taxi, xe bus, sân bay, rạp chiếu phim…

Hình ảnh do du khách đưa lên mạng cho thấy rệp trong nệm giường tại một khách sạn ở Paris.
Hình ảnh do du khách đưa lên mạng cho thấy rệp trong nệm giường tại một khách sạn ở Paris.

Khi người mẫu Malvika Sheth thức dậy trong một khách sạn 5 sao ở Paris cuối tuần trước, cô thấy bàn chân ngứa ngáy và bắp chân nổi nhiều vết sưng đỏ. Lúc ấy, cô nghĩ rằng đây chỉ là hội chứng dị ứng với thứ đồ ăn thức uống nào đó nhưng khi cuộn tấm chăn đắp lên, cô không thể nào tin vào mắt mình vì ở một kẽ của tấm chăn, có những con vật nhỏ xíu màu nâu, bụng căng phồng máu đang tìm cách lẩn trốn.

“Chúa ơi! Rệp” Makiva hét lớn, bấm chuông gọi bồi phòng rồi hốt hoảng mở cửa bước ra hành lang. Tại đó, cô gặp Alfredo Mineo, nhà văn người Mỹ đến Paris để lấy tư liệu viết sách. Nghe Makiva kể về những con rệp, ông Alferdo cười: “Nhằm nhò gì! Cô cứ vào rạp chiếu phim hay đi tàu điện ngầm thử coi. Rệp nó bò ngang mình cô và cô sẽ được ngửi cái mùi đặc trưng của nó vì nhiều người trong cơn sợ hãi, đã dùng ngón tay dí nát nó”.

Những tấm nệm còn mới vứt ngoài đường nhưng không ai lấy vì “có rệp”.
Những tấm nệm còn mới vứt ngoài đường nhưng không ai lấy vì “có rệp”.

Dịch rệp ở Paris bắt đầu bùng phát từ giữa tháng 9 rồi lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Trên nhiều vỉa hè ở một số con đường thuộc quận 6, hàng đống những tấm nệm bị vứt bỏ với tấm bìa các-tông viết dòng chữ: “Đừng đụng vào, có rệp”. Ông Emmanuel Gregoire, Phó Thị trưởng Paris cảnh báo: “Thực tế thì không ai an toàn! Bạn có thể gặp rệp ở bất cứ đâu”. Trên các trang mạng xã hội, tràn ngập những lời khuyên về cách làm thế nào để đừng mang những con vật gớm ghiếc này về Mỹ, Hà Lan, Anh quốc, Italia, Thụy Sĩ... Thậm chí còn có lời đề nghị: “Nên cấm những chuyến bay xuất xứ từ Pháp ngay bây giờ”.

Cổ động viên các đội bóng bầu dục ở một số quốc gia tham dự giải vô địch ngần ngại trước việc có nên sang Pháp ủng hộ đội nhà bằng máy bay, tàu cao tốc hay không! Buker, cổ động viên cuồng nhiệt của đội Yankee, Mỹ, nói với trang tin L’observateur: “Vừa tiếc vừa sợ. Tiếc vì không được chứng kiến Yankee chơi bóng, còn sợ là sợ mấy con rệp theo mình về nhà”. Statham, cổ động viên người Anh đặt câu hỏi: “Mỗi ngày đều có 15 chuyến tàu tốc hành Eurostar từ London đến Paris và ngược lại. Sẽ có bao nhiêu con rệp trên những chuyến tàu đó?”

Với những nhà thiết kế thời trang, nỗi lo loài rệp còn phiền toái hơn. Tất cả những loại y phục và phụ kiện mà họ mang đến Paris để phục vụ buổi trình diễn quốc tế đều phải cho vào nồi hấp. Bà Borel, đại diện hãng thời trang Dior nhăn nhó: “Chúng tôi có những chiếc váy bằng lụa Casmir. Giờ đem hấp thì nó thành cái bánh tráng. Có ủi cách nào chăng nữa, nó vẫn không thể đẹp như ban đầu…”. Mustafa, người Ai Cập giơ chiếc khăn voan trùm đầu bằng tơ tằm lên: “Cái này hấp xong, rệp chết đâu chưa thấy nhưng nó chết trong thùng rác là điều chắc chắn”.

Một số các hãng sản xuất y phục thời trang kể rằng với những loại váy áo, phụ kiện mà họ mang theo, khó mà ngăn được loài rệp xâm nhập vì nơi cất giữ những thứ này không đâu khác hơn là khách sạn, nhưng chẳng ai biết khách sạn này, khách sạn kia có rệp hay không?

Cho đến nay, trong số 20 quận nội thành Paris, không ai biết chắc loài rệp khởi phát từ nơi nào. Có ý kiến cho rằng nó bắt đầu từ quận 12, nơi dân châu Á, châu Phi và Trung, Cận Đông tập trung nhiều nhất nhưng không một cơ quan chức năng nào dám khẳng định vì những vụ bạo loạn có nguồn gốc phân biệt chủng tộc vẫn sờ sờ ra đó.

Theo các chuyên gia côn trùng học, làn sóng bùng nổ rệp ở Paris và nhiều nơi trên thế giới thực tế là do chính chúng ta tạo ra. Sau khi gần như bị tiêu diệt hồi đầu thế kỷ 20 nhờ sự phát triển của loại thuốc trừ sâu cực mạnh DDT, các thế hệ ra đời tiếp theo của những kẻ hút máu quỷ quyệt đã phát triển khả năng kháng cự với lớp vỏ ngoài cứng cáp, biết phân biệt những khu vực có mùi DDT với những nơi an toàn, điều kiện nhiệt độ, thời tiết nào phù hợp để trứng có thể nở.

Nhà côn trùng học Stefanie nói: “Tóm lại, rệp đã trở nên thông minh hơn. Nó không thể sống quá nhiều ngày, không đẻ trứng mà không được hút máu. Vì thế nó phải đi tìm “thức ăn” và con người chính là những chuyến xe miễn phí giúp chúng di chuyển từ nơi này đến nơi khác”.

Theo một khảo sát của Cơ quan An toàn sức khỏe, thực phẩm, môi trường và nghề nghiệp Pháp thì từ năm 2017 đến 2022, cứ 100 hộ gia đình Pháp lại có hơn 11 hộ bị rệp xâm nhập. Vẫn theo cơ quan này, rệp không phải là vật mang mầm bệnh và không gây ra bất kỳ nguy cơ sức khỏe nào, trừ khi ai đó bị dị ứng với vết cắn hoặc nhiễm trùng do gãi vì ngứa.

Tuy nhiên tất cả mọi người đều tỏ ra kinh tởm nó, một phần vì mùi hôi, phần nữa nó là loài hút máu. Nó là tác giả của hội chứng rối loạn căng thẳng bởi lẽ sự gia tăng cảnh giác với loài rệp sẽ làm người ta lo lắng, bất an khi ngồi trên các phương tiện giao thông, các tụ điểm giải trí, mất ngủ lúc nằm trên giường.

VŨ CAO

(Theo L’observateur)

;
.