Ngày 23/10, dữ liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, trong 3 năm qua, nước này có khoảng 80 ngàn người từ 15 đến 29 tuổi không có việc làm, nhưng chấp nhận không tìm việc cũng như không đi học thêm.
Ở Hàn Quốc, những người trong độ tuổi lao động được coi là thất nghiệp dài hạn nếu không có việc làm trong vòng 3 năm gần nhất. |
Những người được phân loại là “Không tham gia giáo dục, làm việc hoặc đào tạo” (NEET) chiếm 36,7% trong số 218 ngàn người cùng độ tuổi đã thất nghiệp từ 3 năm trở lên tính đến tháng 5 năm nay. KOSTAT giải thích: “Nói một cách đơn giản, gần 4/10 người Hàn Quốc từ 15 đến 29 tuổi thuộc nhóm NEET”.
Ở Hàn Quốc, những người trong độ tuổi lao động được coi là thất nghiệp dài hạn nếu không có việc làm trong vòng 3 năm gần nhất. Theo các chuyên gia về việc làm, dữ liệu về NEET cho thấy, mức độ nghiêm trọng khi tình hình kinh tế đang thay đổi và dân số quốc gia đang suy giảm nhanh chóng.
NEET được phân loại là những người không sẵn sàng tìm việc sau khi liên tục không có việc làm, và do đó thậm chí họ không được tính vào lực lượng lao động, cả hoạt động và không hoạt động, trên thị trường việc làm.
Nhiều người trong số những người thất nghiệp dài hạn này có bằng đại học, nhưng càng không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp thì khả năng họ từ bỏ việc tìm việc làm càng cao. Tỷ lệ tích cực tìm kiếm việc làm của họ là 53% trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, song giảm xuống còn 36,5% nếu đã tốt nghiệp được 3 năm.
Tỷ lệ lao động có việc làm của những người 15 tuổi trở lên tại Hàn Quốc là 63,2%. Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, việc không đưa NEET vào lực lượng lao động có thể dẫn đến nghi ngờ về mức độ tin cậy của dữ liệu, liên quan đến khả năng tận dụng tối đa lực lượng lao động sẵn có để ứng phó với việc tăng trưởng chậm lại và thay đổi nhân khẩu học.
TRẦN QUANG