.

Máy dò bom ADE-651, vụ lừa đảo có một không hai

Cập nhật: 17:14, 04/08/2023 (GMT+7)

Bỏ ra 80 triệu USD để mua máy dò bom ADE-651, Chính phủ Iraq tin rằng nó sẽ cứu được vô số mạng sống trong những vụ đánh bom tự sát do những phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện nhưng thực tế, nó là trò lừa đảo có một không hai do Jim McCormick, người Anh chủ mưu. Tuy nhiên, Iraq không phải là quốc gia duy nhất bị lừa.

Nhân viên an ninh Iraq sử dụng máy dò bom IDE-651 (Ảnh nhỏ McCormick).
Nhân viên an ninh Iraq sử dụng máy dò bom IDE-651 (Ảnh nhỏ McCormick).

Chết vì máy “dỏm”

Đó là một buổi sáng Chủ nhật mùa thu năm 2019, một chiếc xe buýt 26 chỗ chở 1 tấn thuốc nổ hướng về Bộ Tư pháp ở thủ đô Baghdad, Iraq. Thời điểm này, an ninh đã được cải thiện bởi nguồn viện trợ khổng lồ của Mỹ và các đồng minh nên Chính phủ Iraq ra lệnh gỡ bỏ những biện pháp đề phòng nghiêm ngặt, trong đó xe cộ được phép lưu thông trên những con đường cạnh các tòa nhà, là nơi làm việc của chính quyền trung ương. Vì thế, chiếc xe buýt khi đến những trạm kiểm soát, nó chỉ bị nhân viên an ninh kiểm tra bằng máy dò bom rồi vài giây sau, khi không có dấu hiệu khả nghi, họ cho nó đi tiếp.

Dừng lại trước sân Bộ Tư pháp, gã tài xế cho xe lùi sát cánh cửa chính. Liền ngay sau đó, một tiếng nổ khủng khiếp vang lên. Chỉ trong chớp mắt, khối thuốc nổ đã giết chết 155 người và làm hơn 500 người khác bị thương. Cũng cùng thời điểm này, một chiếc xe tải khác nổ tung ngay trước trụ sở Ủy ban hành chính thủ đô Baghda làm 69 người thiệt mạng.

Một ngày sau, IS lên tiếng nhận trách nhiệm về 2 vụ đánh bom nhưng mối quan tâm chính của Cơ quan an ninh Iraq là làm thế nào mà 2 xe chở chất nổ lại có thể lọt vào một trong những khu vực được kiểm soát chặt chẽ nhất của thành phố mà không bị phát hiện? Hơn 60 nhân viên cảnh sát làm việc tại các trạm kiểm soát và các đồn cảnh sát gần nơi bị đánh bom được gọi lên để thẩm vấn bởi lẽ ở tất cả những nơi này, ngay từ năm 2009 đã được trang bị máy dò bom ADE 651 do Công ty Global Technical Ltd, Anh quốc sản xuất.

Được Chính phủ Iraq mua với giá 80 triệu USD gồm tổng cộng 200 chiếc, máy dò bom ADE-651 là một khối hình trụ chữ nhật bằng nhựa có tay cầm, ở đầu thò ra một ăng ten, hoạt động rất đơn giản: Khi người sử dụng nghiêng máy sang bên phải, ăng-ten sẽ xoay sang phải còn nếu nghiêng sang bên trái, ăng-ten sẽ xoay sang trái. Nếu phát hiện chất nổ, tín hiệu sẽ truyền theo dây dẫn đến hộp báo động đeo ở lưng. Công ty Global Technical Ltd, nơi phát minh ra máy ADE-651 giải thích: “Máy hoạt động theo nguyên tắc cộng hưởng tứ cực hạt nhân tần số thấp, hoàn toàn có thể nhìn xuyên qua kim loại, gỗ, bê tông, cao su… Nó dễ dàng phát hiện bom, mìn, chất nổ- kể cả chất nổ lỏng dù được dấu ở bất cứ chỗ nào…”.

Vậy mà nhiều vụ đánh bom tự sát vẫn xảy ra nhưng chỉ sau khi trụ sở Bộ Tư pháp và Ủy ban hành chính Badghda lĩnh trọn 2 xe chất nổ, Cơ quan an ninh Iraq mới đặt dấu hỏi về máy dò bom ADE-651. Tiến hành mổ xẻ máy, họ nhận thấy bên trong nó gồm một con quay hồi chuyển, làm công việc đổi chiều ăng ten cùng một mạch điện tử nhưng không kết nối với bất kỳ một thứ gì, còn sợi dây dẫn tín hiệu đến hộp báo động, chẳng có nguồn điện nào cung cấp cho nó! Mò mẫm suốt nhiều ngày, các kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia bom mìn Iraq đều lắc đầu vì chẳng biết ADE-651 hoạt động như thế nào. Abduhani, kỹ sư công nghệ thông tin nói: “Với con quay hồi chuyển thì còn có thể hiểu được, nghĩa là bạn nghiêng cái máy về hướng nào thì ăng ten sẽ nghiêng theo hướng đó nhưng  không thể giải thích là bằng cách nào ADE-651 phát hiện có bom?”

Đến lúc này, Chính phủ Iraq mới biết mình bị lừa nhưng chẳng riêng Iraq, khi sự việc vỡ lở, người ta mới hay rằng Mexico, Bỉ, Romania, Georgia, Bangladesh, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Pakistan, Jordan, Qatar, Arab Saudi, Syria, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Iran, Kenya, Libya, Niger và Tunisia đều đã mua nó, nơi mua ít nhất là 100 bộ. Theo ước tính, tổng số tiền mà Jim McCormick thu được trong những thương vụ ấy lên đến hơn 500 triệu USD!

Chân dung siêu lừa

Sinh năm 1956 ở Liverpool, Anh quốc, Jim McCormick sau 2 năm phục vụ trong ngành cảnh sát Vương quốc Anh thì chuyển sang nghề kinh doanh thiết bị viễn thông. Cơ hội đến với McCormick vào năm 2000 khi ông ta gặp một doanh nhân là Gary Bolton, lúc ấy đang đang bán một thiết bị cầm tay, có chức năng phát hiện những quả bóng golf bay lạc.

Lập tức, McCormick nhìn ra cơ hội. Bằng cách thành lập Công ty Global Technical Ltd và với một chiếc máy dò tìm quả bóng golf làm mẫu, ông ta biến nó thành hàng ngàn “máy dò bom” với các tên gọi khác nhau tùy theo từng quốc gia mua nó, gồm ADE-651, Quadro Tracker, Positive Molecular Locator, Alpha 6 và GT200.

Nó được giao cho khách hàng trong một chiếc cặp với lớp xốp cứng nhìn rất hoành tráng. Bên trong hộp, ngoài thiết bị phát hiện bom, chất nổ, McCormick còn kèm theo những tấm vi mạch với lời quảng cáo có thể dò ra ma túy, thậm chí là cả… ngà voi, kim cương! Điều kỳ lạ nhất mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời là các quốc gia đã đặt mua nó, chẳng nơi nào tiến hành thực nghiệm xem nó có đúng với lời quảng cáo hay không. Chỉ đến khi Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Nội vụ Anh quốc tuyên bố đây là trò lừa đảo thì thiên hạ mới ngã ngửa!

Tháng 9/2020, Cơ quan về tội phạm có tổ chức nghiêm trọng, Anh quốc (viết tắt là  SOCA), bắt đầu cung cấp thông tin về máy dò bom ADE-651 cho các cơ quan có thẩm quyền tại những quốc gia đã mua máy đồng thời ra lệnh bắt giữ  McCormick với tội danh lừa đảo. Thế nhưng khi ra tòa, ông ta chỉ nhận bản án 10 năm tù giam, tài sản bị tịch thu để bồi thường cho những nạn nhân chết trong những vụ đánh bom tự sát ở Iraq.

Một luật sư đại diện cho những người thiệt mạng ở Iraq nói: “McCormick biết rằng máy dò bom ADE-651 được lực lượng an ninh Iraq sử dụng sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì ngoài niềm tin của cảnh sát, rằng họ đang bảo vệ dân thường chống lại cái chết. Thậm chí ngay sau những vụ khủng bố ác liệt, ông ta vẫn bay đến Baghdad để tổ chức họp báo, trong đó nói lên những giá trị của máy dò bom. Không hề có một dấu hiệu nào cho thấy lương tâm của McCormick cắn rứt…”.

VŨ CAO
(Theo Sceret Wars)

.
.
.