.

Các cơ quan LHQ tại Ukraine đánh giá thiệt hại vụ vỡ đập Kakhovka

Cập nhật: 18:21, 08/06/2023 (GMT+7)

Ngày 7/6, đại diện nhiều cơ quan LHQ tại Ukraine đã có mặt tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine để đánh giá tác động của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka, đồng thời điều phối công tác hỗ trợ nhân đạo.

Sơ tán người dân khỏi các khu vực ngập lụt ở Kherson, Ukraine, sau sự cố vỡ đập thủy điện Kakhovka, ngày 7/6.
Sơ tán người dân khỏi các khu vực ngập lụt ở Kherson, Ukraine, sau sự cố vỡ đập thủy điện Kakhovka, ngày 7/6.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hằng ngày, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres - cho biết đại diện của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ - OCHA cùng một số cơ quan LHQ và tổ chức phi chính phủ đã có mặt tại khu vực trên để tiến hành đánh giá thiệt hại.

Các đại diện này cho biết thảm họa vỡ đập có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn khi mực nước vẫn đang tăng, nhấn chìm nhiều làng mạc và thị trấn. Điều này sẽ hạn chế người dân tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và gia tăng các rủi ro về sức khỏe.

Quan chức LHQ nêu rõ mối lo ngại hàng đầu là việc tiếp cận nguồn nước sinh hoạt. Hàng trăm nghìn người phụ thuộc vào hồ chứa nước của đập thủy điện để lấy nước sinh hoạt trong khi mực nước đang giảm nhanh. Bên cạnh đó, tình trạng ngập lụt cũng có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, gia tăng rủi ro sức khỏe.

Tổ chức Lương Nông LHQ - FAO cảnh báo vụ vỡ đập Kakhovka nguy cơ tác động xấu đến an ninh lương thực khi hàng ngàn ha đất nông nghiệp bị ngập, tàn phá các loại cây mới trồng. Các nhà chức trách cũng cho biết vụ vỡ đập gây hư hại hệ thống thủy lợi ở các vùng Dnipro, Kherson và Zaporizhizia.

Về công tác ứng phó, LHQ và các đối tác nhân đạo đang làm việc không ngừng để hỗ trợ khẩn cấp cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. Theo người phát ngôn LHQ, các cơ quan này đã phân phát gần 12.000 chai nước, hơn 1.700 bộ vật dụng cần thiết cho trẻ em và 10.000 viên lọc nước cho 5 khu vực ở Kherson và thành phố Mykolaiv.

Các tổ chức nhân đạo cũng đang hỗ trợ chính quyền sơ tán và điều phối chỗ ở cho những người sơ tán từ Kherson. Họ cũng đang cung cấp những đồ dùng thiết yếu cho những người sơ tán tại các TP.Mykolaiv và Odessa.

Bên cạnh đó, những trẻ em ở khu vực nhà ga xe lửa Kherson cũng được hỗ trợ tâm lý xã hội, y tế, các hoạt động giải trí... Công tác hỗ trợ nhân đạo sẽ tiếp tục được triển khai trong những ngày tới.

Tương tự, Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (WB), bà Anna Bjerde cũng cho biết WB sẽ hỗ trợ Ukraine bằng cách tiến hành đánh giá nhanh thiệt hại và nhu cầu sau sự cố đập thủy điện Kakhovka.

Cùng ngày 7/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong các cuộc trao đổi, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đề xuất thành lập một ủy ban quốc tế điều tra vụ vỡ đập của nhà máy thủy điện Kakhovka.

Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc trao đổi với nhà lãnh đạo Nga Putin, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh điều quan trọng là phải điều tra toàn diện vụ nổ tại đập của nhà máy thủy điện Kakhovka, “để không còn nghi ngờ gì về hoàn cảnh của vụ việc”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cần thành lập một ủy ban, gồm các chuyên gia Nga, Ukraine, LHQ và cộng đồng quốc tế, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tuyên bố Ankara sẵn sàng giúp tạo ra cơ quan này.

Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ ý tưởng tương tự trong cuộc trao đổi với Tổng thống Zelensky. Ông nói thêm rằng trong khi xung đột ở Ukraine kéo dài, “không thể ngăn được những tổn thất nhân đạo”, vì vậy điều quan trọng nhất là quay trở lại đàm phán với Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Zelensky và thông báo Paris sẽ viện trợ cho Kiev khắc phục hậu quả sự cố này.

Cùng ngày, Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin đã gửi đơn lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở La Haye vì hành vi mà nước này gọi là phá hủy đập của nhà máy thủy điện Kakhovka.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết dự kiến trong ngày 8/6, ông sẽ chủ trì cuộc họp của Ủy ban điều phối khẩn cấp về Ukraine sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka.

Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Thư ký Stoltenberg đánh giá vụ vỡ đập Kakhovka đã gây ngập lụt khiến hàng ngàn người phải di dời và gây ra thảm họa sinh thái ở Ukraine.

Cũng theo ông, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba sẽ tham gia cuộc họp trên của Ủy ban NATO - Ukraine theo hình thức trực tuyến.

Đập thủy điện Kakhovka, cao 30m và dài 3,2km, được xây dựng vào năm 1956. Với sức chứa hồ nước lên đến 18km3, đây là nguồn cung cấp nước quan trọng cho bán đảo Crimea ở phía Nam và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia lớn nhất châu Âu ở phía Bắc. Việc vỡ đập khiến nhiều khu dân cư ở phía hạ nguồn ngập lụt và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu điện ở Ukraine.

Theo thông báo của giới chức Nga và Ukraine, gần 6.000 người gồm khoảng 4.000 người tại Nga và gần 2.000 người tại Ukraine đã sơ tán khỏi các vùng bị ngập.

DUY TRINH-NGUYỄN HẰNG

.
.
.