.

Nhật Bản tìm cách hút lao động nước ngoài có tay nghề cao

Cập nhật: 20:17, 07/06/2023 (GMT+7)

Chính phủ Nhật Bản ngày 7/6 thông báo sẽ thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa Nhật Bản với các quốc gia khác, đồng thời thu hút nhiều nhân tài nước ngoài hơn trong bối cảnh chính phủ xác định trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn là những lĩnh vực chính sách quan trọng để phát triển.

Người dân di chuyển trên phố ở Tokyo, Nhật Bản.
Người dân di chuyển trên phố ở Tokyo, Nhật Bản.

Bản dự thảo kế hoạch hành động sửa đổi được công bố cùng ngày nhằm đạt được mục tiêu mà Thủ tướng Fumio Kishida đề ra về bảo đảm tăng trưởng và phân phối lại của cải, đã làm nổi bật sự tập trung mạnh mẽ hơn của ông vào phát triển nguồn nhân lực thông qua tăng lương và đào tạo lại kỹ năng cho người lao động.

Trong kế hoạch hành động, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ xem xét và kiểm tra các vấn đề gồm đánh thuế, ban hành quy định cũng như các vấn đề khác để thu hút nhiều hơn lao động có tay nghề cao.

Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản thừa nhận mặc dù nước này đã tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài hơn trong những năm gần đây, nhưng nhóm này chỉ chiếm khoảng 1% trong số những chuyên gia và những người có công việc đòi hỏi kỹ năng cao, thấp hơn nhiều so với 23% ở Anh và 16% ở Mỹ.

Tiền lương của lao động có tay nghề cao ở Nhật Bản có khoảng cách rất lớn với các thành viên khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và một số quốc gia châu Á, những nước đã thu hút được nhiều nhân tài nước ngoài trong các lĩnh vực như quản trị, công nghệ thông tin và marketing, cũng như lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Thủ tướng Kishida đã thúc giục các công ty tăng lương để theo kịp lạm phát đang gia tăng, với việc các cuộc đàm phán lương hàng năm vào mùa Xuân giữa giới chủ và liên đoàn lao động đạt kết quả tốt nhất trong khoảng 30 năm.

Năm 2023, chính phủ dự kiến mục tiêu mức lương tối thiểu trung bình mỗi giờ là 1.000 yen (7 USD) trên toàn quốc, tăng từ mức khoảng 960 yen trong năm 2022.

Trong dự thảo, chính phủ còn cho biết sẽ xem xét kéo dài thời hạn thị thực khởi nghiệp cấp cho nhóm đối tượng khởi nghiệp tại Nhật Bản từ mức 1 năm hiện nay.

An ninh kinh tế là một trụ cột quan trọng khác của kế hoạch hành động trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 làm lộ ra những bất cập. Nhật Bản xác nhận cần đầu tư nhiều hơn ở trong nước, tập trung vào các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, pin, sản xuất sinh học và trung tâm dữ liệu.

Dự thảo kế hoạch cho biết: “Chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ về thuế và ngân sách trên quy mô tương thích với phần còn lại của thế giới”.

Bên cạnh đó, kế hoạch hành động cũng thừa nhận thực trạng về những rủi ro của AI đối với quyền riêng tư và bảo mật, thông tin sai lệch và vi phạm bản quyền. Vì vậy, kế hoạch hành động kêu gọi ban hành quy định pháp luật và hướng dẫn phù hợp để làm cho AI trở nên “đáng tin cậy”.

Để chuẩn bị cho một xã hội “siêu lão hóa”, trong dự thảo kế hoạch hành động, chính phủ dự kiến sẽ khởi động “một dự án quốc gia” nhằm đẩy nhanh nghiên cứu khoa học về não nhằm ngăn ngừa và điều trị các bệnh như Alzheimer.

Chính phủ dự kiến sau khi tham khảo ý kiến của các đảng trong liên minh cầm quyền, sẽ chính thức thông qua kế hoạch vào cuối tháng 6/2023.

NGUYỄN TUYẾN

.
.
.