.

IAEA cảnh báo mức độ an toàn của nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu

Cập nhật: 18:21, 08/06/2023 (GMT+7)

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cảnh báo không thể duy trì mực nước làm mát cho các lò phản ứng tại nhà máy Zaporozhye sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Một góc Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.
Một góc Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Ngày 7/8, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là việc Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye phải có đủ nước để ngăn chặn sự cố lò phản ứng tan chảy sau khi đập Nova Kakhovka bị phá hủy và hồ chứa nước ở đập thủy điện đang cạn kiệt.

Theo ông Grossi, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu dựa vào hồ chứa Kakhovka để lấy nước làm mát 6 lò phản ứng. Tuy nhiên, mực nước đã giảm 2,8 mét kể từ khi đập Nova Kakhovka bị vỡ vào sáng sớm ngày 6/6. Một khi mực nước dưới 12,7 mét, nhà máy sẽ không còn có thể bơm nước từ hồ chứa.

“Vì chưa xác định được một cách đầy đủ thiệt hại của con đập nên không thể dự đoán liệu hồ chứa có thể giảm xuống mức báo động hay không và khi nào điều đó có thể xảy ra nhưng với tốc độ hiện tại là 5-7 cm mỗi giờ, điều đó có thể là trong vòng hai ngày tới”, Giám đốc IAEA chia sẻ.

Trích dẫn báo cáo từ các chuyên gia IAEA đang có mặt tại hiện trường, ông Grossi cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đang xây dựng dự trữ nước trong khi vẫn còn có thể. Ông dự định sẽ đến thăm nhà máy vào tuần tới và đưa thêm các quan sát viên để tăng cường sự hiện diện của cơ quan này tại cơ sở này.

“Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của IAEA tại nhà máy Zaporozhye có tầm quan trọng sống còn để giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân và hậu quả tiềm tàng của nó đối với người dân và môi trường tại thời điểm hoạt động quân sự gia tăng trong khu vực”, ông Grossi nhấn mạnh.

Việc có thể mất nguồn nước làm mát chính của nhà máy càng làm phức tạp thêm tình hình an toàn và an ninh hạt nhân vốn đã cực kỳ khó khăn và đầy thách thức. Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye được đánh giá là lớn nhất châu Âu, với 6 lõi lò phản ứng có khả năng tạo ra một gigawatt điện mỗi lõi. Quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy này từ tháng 3/2022.

IAEA đã triển khai phái bộ quan sát viên tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye vào tháng 9/2022. Trước đó, nhà máy và các vùng lân cận đã nhiều lần bị pháo binh Ukraine nhắm mục tiêu, điều mà Kiev thừa nhận vào thời điểm đó. Ngay trước khi phái bộ IAEA đến, biệt kích Ukraine cũng đã cố gắng chiếm giữ cơ sở này nhưng bị đẩy lùi.

Một phần do hoạt động pháo binh của Ukraine, 5 trong số 6 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đã ngừng hoạt động, với một lò tiếp tục hoạt động ở mức thấp để duy trì nguồn điện cho cơ sở. Tất cả các lò phản ứng đều phải được làm mát liên tục để ngăn chặn sự tan chảy nhiên liệu và có thể giải phóng phóng xạ.

HẢI VÂN

.
.
.