Giá dầu giảm tại châu Á trong phiên giao dịch sáng 15/5, khi những lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ và Trung Quốc đã lấn át tâm lý lạc quan về tình hình thắt chặt nguồn cung do Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+), cắt giảm sản lượng và Mỹ tiếp tục mua dầu cho kho dự trữ.
Công nhân làm việc tại một nhà máy lọc dầu ở Karbala, Iraq. |
Vào đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 43 xu Mỹ, hay 0,6%, xuống 73,74 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 37 xu Mỹ, hay 0,5%, xuống 69,67 USD/thùng.
Tuần trước, cả 2 loại dầu này đều giảm giá tuần thứ tư liên tiếp, chuỗi giảm giá theo tuần dài nhất kể từ tháng 9/2022, do lo ngại rằng kinh tế Mỹ có thể suy thoái trước nguy cơ vỡ nợ xảy ra trong hai tuần đầu tháng 6.
Giới đầu tư đang tìm kiếm các kênh trú ẩn an toàn như đồng USD, đẩy “đồng bạc xanh” tăng giá, khiến dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Chuyên gia Tina Teng của công ty CMC Markets nhận định giá dầu vẫn chịu áp lực do triển vọng nhu cầu yếu khi quá trình tái mở cửa kinh tế của Trung Quốc diễn ra không đồng đều, bên cạnh tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ở Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn cung dầu thô toàn cầu có thể thắt chặt trong nửa cuối năm nay, khi OPEC+ hồi tháng Tư cho biết một số nước thành viên sẽ cắt giảm sản lượng hơn nữa thêm khoảng 1,16 triệu thùng/ngày, qua đó nâng tổng lượng cắt giảm lên 3,66 triệu thùng/ngày, theo tính toán của hãng tin Reuters.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết nước này có thể sẽ sớm bắt đầu nối lại việc mua dầu cho Kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR).
Sau thông báo trên, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cũng công bố báo cáo cho thấy số giàn khoan hoạt động của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 586 giàn trong tuần qua, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.
KHÁNH LY