Nga khẳng định nước này chỉ nhất trí gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mang tên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong thời gian 60 ngày, tức tương đương 1/2 thời gian thỏa thuận ban đầu.
Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. |
Đạt được vào tháng 7/2022, thỏa thuận trên đã tạo ra một hành lang chuyển tải đường biển an toàn với mục đích giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu bằng cách cho phép nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ 3 cảng ở Ukraine.
Thay đổi chính có thể được đưa ra với thỏa thuận này là việc rút ngắn khoảng thời gian gia hạn từ 120 ngày xuống còn 60 ngày, một sự thay đổi mà Nga ủng hộ nhưng lại bị Ukraine phản đối.
Hoạt động vận chuyển thường chậm lại khi gần đến thời điểm gia hạn vì có nguy cơ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc này sẽ đổ vỡ. Và nếu thỏa thuận đổ vỡ, nhiều tàu trong khu vực này sẽ bị mắc kẹt hơn.
Vẫn còn đến 60 tàu thương mại đang bị mắc kẹt quanh các cảng của Ukraine so với con số hơn 90 tàu hồi tháng 2/2022 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước này. Vì thế, một khoảng thời gian gia hạn ngắn hơn có thể giúp làm giảm tình trạng ách tắc vì nó làm giảm khối lượng ngũ cốc xuất ra khỏi Ukraine thông qua hành lang này, vì các công ty sẽ cân nhắc đến khả năng tàu của mình có thể bị mắc kẹt.
Trong khi đó, Ukraine lại muốn thỏa thuận trên được gia hạn ít nhất 1 năm và bổ sung thêm cảng Mykolaiv vào hành lang này.
Ba cảng trong thỏa thuận, bao gồm cảng Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi, có tổng năng lực vận chuyển khoảng 3 triệu tấn/tháng. Mykolaiv là cảng ngũ cốc lớn thứ hai Ukraine theo số liệu năm 2021, nên việc bổ sung thêm cảng này sẽ làm tăng khối lượng ngũ cốc được xuất khẩu.
Nga đã nêu rõ quan điểm sẽ phản đối gia hạn thỏa thuận trên cho đến khi có các biện pháp cụ thể được thực hiện để mở đường cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga.
Xuất khẩu nông sản không phải là mục tiêu công khai trong các lệnh trừng phạt đối với Nga, nhưng nước này cho biết các lệnh cấm đối với hoạt động thanh toán, logistics và ngành bảo hiểm là một rào cản đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Trong số các yêu cầu của mình, Nga được cho là muốn phương Tây nới lỏng các hạn chế đối với ngân hàng nhà nước Rosselkhozbank, ngân hàng chuyên phục vụ hoạt động xuất khẩu của nước này.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới.
Số liệu của Liên hợp quốc cho biết tính đến nay, hơn 24,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo thỏa thuận này, giúp hạ giá lương thực toàn cầu từ mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, mới chỉ có một phần nhỏ trong số 260.000 tấn phân bón của Nga bị mắc kẹt tại các cảng châu Âu đã được thông quan, kể từ khi nổ ra xung đột hồi cuối tháng 2/2022.
KHÁNH LY