Với những người đam mê môn thể thao leo núi, việc đặt chân lên đỉnh Everest cao 8.848m là ước mơ lớn nhất cuộc đời. Thế nhưng với người bản xứ Shepa, Nepal, thì việc này chỉ là “chuyện nhỏ” bởi lẽ “không có ngọn núi nào đủ cao đối với họ”.
Gia đình Tenzing Dorjee, Sonam Tashi và Pasang Kanchi trên đỉnh Everest, trong đó chỉ mình Pasang là cần đến thiết bị oxy. |
Sagarmatha - Thiên đường của người ưu mạo hiểm
Ngôi làng Phortse ở thung lũng Khumbu, Nepal, nằm trên một cao nguyên xung quanh là những ngọn núi phủ đầy tuyết. Đây là nơi sinh sống của khoảng 600 người Sherpa và cách mưu sinh của những người đàn ông trong làng là dẫn đường lên đỉnh Everest cho những khách ngoại quốc đam mê chinh phục “nóc nhà thế giới”.
Tim Backer, phóng viên kênh truyền hình Vương quốc Anh National Georgraphic - Địa lý quốc gia - kể lại: “Tại ngôi nhà mà tôi ở trọ, tôi hỏi chủ nhà là ông Panuru rằng ông đã từng lên đỉnh Everest chưa thì ông cười “tôi đã lên đó 13 lần”.
Núi Everest mà người Sherpa gọi là Sagarmatha theo tiếng Nepal là ngọn núi cao nhất thế giới. Kể từ khi Edmund Hillary, người Anh và Tenzing Norgay, người Sherpa chinh phục nó vào ngày 29/5/1953 thì phong trào leo núi Everest bắt đầu bùng nổ.
Trong số hơn 5.000 người leo núi từ năm 1960 đến nay, đã có 310 người chết (số liệu tính đến cuối năm 2022) do tuyết lở, do thiếu oxy, do bệnh say độ cao và do thời tiết lắm lúc lạnh dưới 30 độ âm nhưng nó vẫn không ngăn được sự cuồng nhiệt của những người có máu phiêu lưu mạo hiểm. Tim Backer nói: “Thế nhưng với người Sherpa, lên núi Everest là việc bình thường như chúng ta… đi chợ!”.
Để lên được đỉnh Everest, người leo núi phải mướn người Sherpa dẫn đường, mang vác hành lý, lương thực, lều bạt, bình oxy…, nhưng hiện tại, chỉ có khoảng 170 người Sherpa ở làng Phortse và vài làng khác chính thức làm công việc này còn một số làm theo thời vụ, chủ yếu là lúc khách leo núi tập trung đông.
Yulha Norbu, đã từng 9 lần đặt chân lên “nóc nhà thế giới” giải thích: “Mỗi năm, chỉ có 2 khoảng thời gian thuận tiện để leo núi là cuối tháng 5, trước khi mùa mưa đến và giữa tháng 10, khi những cơn bão tuyết chưa tràn về nhưng không phải ai cũng đánh giá được thời tiết bởi lẽ bầu trời đang xanh ngắt nhưng vẫn có thể chuyển sang xám xịt với những cơn gió thổi với tốc độ 80km/giờ. Lúc ấy, nếu người dẫn đường không kinh nghiệm thì cả đoàn sẽ gặp nguy hiểm”.
Vẫn theo phóng viên Tim Barker, kỷ lục Guinness thế giới trong việc chinh phục đỉnh Everest thuộc về 3 cha con Tenzing Dorjee , Sonam Tashi và Pasang Kanchi, trong đó cô con gái Pasang Kanchi mới chỉ 21 tuổi và cũng chỉ mình cô phải thở bằng bình oxy trong cuộc hành trình.
Họ lên đường vào ngày 12/5/2021 và nếu như với những người lần đầu mạo hiểm, phải mất 40 ngày kể từ khi bắt đầu khởi hành từ chân núi để cơ thể đủ thời gian thích ứng với độ cao thì 3 cha con nhà Tenzing Dorjee chỉ mất 9 ngày. Cô Pasang Kanchi cho biết cô cùng cha và anh trai leo núi Everest mà chẳng có kế hoạch gì và cũng chẳng dẫn đường cho ai. Khi đặt chân lên đỉnh núi, cô cảm thấy như được khích lệ vì trong tương lai, cô sẽ nối nghiệp cha anh, trở thành người dẫn đường cho khách nước ngoài.
Lợi thế của người Sherpa
Do cơ thể đã quen với độ cao và không khí loãng, người Sherpa có lợi thế khi leo núi Everest mà không cần phải qua đào tạo. Tuy nhiên nhiều người lại lúng túng khi sử dụng những thiết bị kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn cho chính bản thân và những người khác cùng các phương pháp cứu hộ khi gặp tai nạn nên Hiệp hội các nhà leo núi thế giới đã tổ chức những khóa huấn luyện cho người Sherpa.
Ông Phunuru, từng 13 lần đặt chân lên đỉnh Everest nói: “Thoạt đầu, suy nghĩ của tất cả chúng tôi là việc leo núi Everest cũng như những ngọn núi khác ở dãy Hymalaya đã rất quen thuộc. Vì vậy tại sao lại cần học?” nhưng sau đó ông nhận thấy rằng việc xuống núi bằng dây với những chiếc móc giúp hãm tốc độ sẽ rút ngắn thời gian nếu so với phương pháp mà người Sherpa vẫn làm là dò dẫm từng bước một, hoặc khi băng qua những khe nứt sâu hun hút của sông băng, chiếc thang bằng nhôm tổng hợp an toàn hơn rất nhiều so với chiếc thang tre truyền thống.
Phunuru nói tiếp: “Tôi quyết định ghi tên vào khóa đào tạo khi chứng kiến một người leo núi bị say độ cao. Bằng dây thoát hiểm, chỉ mất 40 phút ông ấy được đưa xuống chỗ có thể thở bình thường trong lúc nếu theo cách của chúng tôi, phải mất hơn 3 giờ nhưng chưa chắc nạn nhân đã còn sống”.
Hiện tại, số lượng người Sherpa dẫn đường lên đỉnh Everest đã lên đến con số 300, trong đó 130 người lên hơn 10 lần. Hai phụ nữ đạt kỷ lục này là Yangzum, 11 lần và Neima, 12 lần. Khi được kênh truyền hình National Georgraphic phỏng vấn, Yangzum không dấu được vẻ bẽn lẽn: “Tôi thấy chuyện đó cũng thường thôi. Hồi còn bé, tôi vẫn theo mẹ tôi đi bộ từ làng Phortse ở độ cao hơn 3.400m xuống chợ rồi quay về nên khi leo núi Everest, tôi thấy nó chỉ cao hơn… một chút!”, còn với Neima thì: “Lý do chúng tôi làm công việc đẫn đường lên núi là vì tiền. Không có tiền thì không thể lo cho gia đình. Chúng tôi ít được học hành và máy tính xách tay là một cái gì đó xa quá tầm với. Nếu muốn tiếp cận với thế giới văn minh, cách duy nhất của chúng tôi là leo, leo lên và tiếp tục leo nữa…”.
Chung quanh dãy Hymalaya nơi có ngọn Everest, chỉ mỗi thung lũng Khumbu là chỗ mà người Sherpa có thể kiếm tiền bằng cách nuôi bò Tây Tạng, trồng khoai tây nhưng hiện tại, không ít thanh niên đã theo nghề leo núi. Wazing, một thiếu niên 16 tuổi nói: “Cháu được biết mật độ oxy trên đỉnh Everest chỉ bằng 1/3 so với mực nước biển và điều đó sẽ khiến cháu và người leo núi khó thở hơn, thậm chí là không thở được.
Tuy nhiên để kiếm sống, cháu đã cố gắng thích nghi và đã lên được độ cao 7.400m mà chưa cần đến bình oxy”. Theo cơ sở dữ liệu của Himalaya, từ 1960 đến nay đã có 122 người Nepal chết khi leo núi, trong đó 80% là dân Sherpa. Tất cả nguyên nhân dẫn đến tử vong là do tuyết lở, té ngã xuống vực sâu, băng tan khiến nước cuốn đi mất tích chứ chưa ai chết vì kiệt sức, tê cóng hay say độ cao.
Ông Panuru, người đã 13 lần đặt chân lên đỉnh Everest nói: “Hầu như tất cả người nước ngoài đều ngạc nhiên về sức chịu đựng của dân Sherpa nhưng với chúng tôi, đó là điều bình thương vì chúng tôi đã quen như vậy, từ đời này sang đời khác”.
Có lần một nhà leo núi người Pakistan cho Panuru biết ông ấy đã từng leo núi Lambha Pahar, hay còn gọi là K-2, cao 8.600m và cực kỳ hiểm trở, nằm giáp biên giới Pakistan - Trung Quốc thì Panuru cười: “Nghĩa là nó vẫn thấp hơn Everest 248m nhưng thưa ông, 1 mét lên núi Everest đồng nghĩa với 1 mét đến gặp tử thần!”.
Riêng với Pasang Kanchi, cô gái 21 tuổi đã cùng cha và anh trai lên đỉnh Everest thì cho biết vẫn còn 200 xác chết của những nạn nhân không may thiệt mạng khi chinh phục nóc nhà thế giới, nằm rải rác sau những hốc đá, những tảng băng vĩnh cửu: “Đó là một lời nhắc nhở tôi về sự cẩn thận và tính an toàn nhưng ở một phương diện khác, tôi muốn nói rằng phụ nữ Nepal có thể làm được những việc mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Chẳng có ngọn núi nào đủ cao với người Sherpa!”…
VŨ CAO
(Theo Traveller)