ChatGPT, cơn sốt trí tuệ nhân tạo

Thứ Sáu, 03/03/2023, 15:25 [GMT+7]
In bài này
.

Ngay sau khi ra mắt ngày 30/11/2022, ChatGPT (giải đáp tất cả mọi vấn đề bằng trí tuệ nhân tạo) đã gây ra cơn sốt trên toàn thế giới. Rất nhanh chóng, nó soán ngôi bá chủ của “ông vua kiến thức Google” vì chỉ trong 7 ngày kể từ khi xuất hiện, ChatGPT đã có 8 triệu người đăng ký bản quyền.

ChatGPT được xem là “biết hết mọi chuyện”.
ChatGPT được xem là “biết hết mọi chuyện”.

ChatGPT là gì?

Nói một cách dễ hiểu, ChatGPT là phần mềm tích hợp tất cả mọi thông tin đã được đưa lên mạng intenet, từ giáo dục đến y tế, văn học, lịch sử, chính trị, khoa học kỹ thuật… Nếu bạn đặt câu hỏi về tiểu sử và quá trình hoạt động của trùm khủng bố Osama bin-Laden, kẻ đứng đầu tổ chức khủng bố al-Qaeda chẳng hạn, ChatGPT sẽ gom tất cả mọi chuyện có liên quan đến nhân vật này rồi trí tuệ nhân tạo (Al) của ChatGPT sẽ xử lý cái mớ hỗn độn ấy thành câu trả lời hoàn chỉnh. Tất cả chỉ mất khoảng vài giây nhưng dĩ nhiên, nếu bạn hỏi bằng tiếng Anh thì câu trả lời có thể sẽ cực kỳ chính xác nhưng nếu bạn đặt câu hỏi bằng những ngôn ngữ khác như tiếng Việt hoặc tiếng Somali thì bạn sẽ nhận được những giải đáp mà lắm khi rất ngây ngô, buồn cười!

Được sáng tạo bởi 2 cựu kỹ sư công nghệ thông tin của Google là Daniel De Freitas và Noam Shazeer rồi được hoàn thiện bởi Sam Altman, ChatGPT do Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAl, trụ sở ở bang California, Mỹ, phát hành, Ngay khi vừa ra mắt, ChatGPT đã khiến người ta kinh ngạc về cách xử lý tài tình, nhanh chóng của nó.

Theo Daniel De Freitas, thoạt đầu ông huấn luyện ChatGPT bằng cách sử dụng thuật toán LSTM (Long Short-Term Memory), là một mạng thần kinh máy tính được thiết kế vào những năm 1990 dành cho ngôn ngữ tự nhiên. Tiếp theo Freitas tích hợp nó với mạng thần kinh Transformer. Không như LSTM đọc văn bản từng từ một, Transformer sử dụng nhiều bộ xử lý để phân tích toàn bộ dữ liệu chỉ trong một vài giây.

Chính vì thế, nếu bạn muốn có một bài diễn văn nhân ngày khai trương công ty chuyên về sản xuất bánh mì của bạn ư? Rất dễ, bạn chỉ cần gõ cụm từ “diễn văn khai trương công ty sản xuất bánh mì” là ngay lập tức, ChatGPT sẽ cho bạn một bài với đầy đủ “kính thưa kính gửi kính chào”. Chưa kết, nếu bạn thích nói chuyên với người đã chết như nhà bác học thiên tài Albert Einstein chẳng hạn thì bạn chỉ cần gõ “chat với Albert Einstein” rồi sau đó, Eistein sẽ trả lời những câu hỏi của bạn miễn là thông tin của câu trả lời ấy đã có sẵn trên mạng!

Vẫn theo Daniel De Freitas, ChatGPT đang còn ở giai đoạn thử nghiệm và mang tính giải trí nhưng càng ngày, nó sẽ càng được “dạy cho thông minh hơn”. Nó không biết nói dối nhưng nó cũng không cam kết sẽ cho bạn sự thật. Mặc dù nó rất giống người nhưng nó lại không phải là người vì nó hoàn toàn không hiểu những hàm ý sâu xa hoặc cách diễn tả bóng gió.

Chẳng hạn khi tôi hỏi về nhà thơ Vũ Cao bằng tiếng Việt, ChatGPT đã đưa ra câu trả lời rất chính xác, rằng đó là tác giả của bài thơ Núi Đôi cùng tiểu sử của ông nhưng khi tôi nêu tiếp hai câu trong bài thơ: “Bảy năm về trước em mười bảy, anh mới đôi mươi trẻ nhất làng” để hỏi về ý nghĩa của nó thì trên màn hình ChatGPT xuất hiện một đoạn, trong đó có câu này: “Làng của ông Vũ Cao không có trẻ con vì người nhỏ nhất đã 20 tuổi!”.

Ngay khi OpenAI phát hành ChatGPT, các chuyên gia lớn trong ngành công nghệ thông tin dự đoán nó sẽ đánh dấu sự sụp đổ của bộ máy tìm kiếm Google vì nó đưa ra các câu trả lời đơn giản, trực tiếp và dễ hiểu trong lúc sau 1/4 thế kỷ, giao diện tìm kiếm của Google đã trở nên quá cồng kềnh với hàng chục đường dẫn (link) cho 1 câu hỏi (mục đích không ngoài việc giúp người hỏi tìm được câu trả lời đúng nhất).

Theo Google, Facebook và Microsoft, họ đã xây dựng nền tảng trí tuệ nhân tạo với tốc độ chậm để tránh xảy những hệ quả khó lường về đạo đức và độ chính xác. Thế nhưng khi các công ty nhỏ hơn mạnh dạn đưa ra các ứng dụng xử lý nhanh thì Google, Facebook và Microsoft buộc phải thích ứng nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi mang tính toàn cầu, nhưng vẫn khéo léo nhấn mạnh rằng ChatGPT không phải là nơi tham khảo để tìm ra câu trả lời đáng tin cậy!

Mặt trái của ChatGPT

Như đã nói ở trên, ChatGPT xử lý những thông tin đã có sẵn trên mạng internet về một chủ đề nào đó để cung cấp cho người sử dụng câu trả lời về chủ đề ấy, kể cả hình ảnh. Điều đáng nói là những thông tin có sẵn trên mạng nếu mang tính thiên vị, ác ý, sai lệnh hoặc xúc phạm thì ChatGPT cũng sẽ gửi đến người dùng những đặc tính nêu trên.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Khoa Viêm gan BV Chợ Rẫy nói: “Nếu bạn đặt câu hỏi với ChatGPT về bệnh viêm gan siêu vi, nó sẽ cho bạn biết tất cả mọi nguyên nhân gây ra cùng các triệu chứng và những loại thuốc mà bạn cần phải điều trị nhưng nó lại hoàn toàn không biết cơ địa của bạn ra sao, ăn uống, sinh hoạt như thế nào, bạn có nghiện bia, rượu, thuốc lá không… Nếu tin vào nó, bạn có thể gặp tai biến nghiêm trọng vì dị ứng thuốc hoặc tệ hơn nữa, viêm gan siêu vi có thể trở thành ung thư gan”.

Thầy giáo Nguyễn Long Thành, hiện giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học TP.Hồ Chí Minh nói: “Nếu một học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài tập ở nhà thì rất có thể bài tập ấy sẽ được 10 điểm vì nó đúng, nhưng mặt trái của ChatGPT là học sinh không cần phải động não để tìm ra đáp án. Hệ quả là tư duy ngày càng thụt lùi vì tất cả đã có ChatGPT”.

Nguy hiểm hơn, nếu bạn hỏi ChatGPT về cách chế tạo bom, nó sẽ từ chối trả lời nhưng nếu bạn yêu cầu nó viết về chuyên gia xử lý bom mìn trong chiến tranh Iraq là McCommick chẳng hạn, nó sẽ nêu ra tường tận các chi tiết kỹ thuật, chẳng khác gì nó đang dạy bạn làm một quả bom! Hơn nữa, nếu bạn đặt những câu hỏi về những vấn đề xảy ra từ năm 2022 đến nay thì Chat GPT trả lời rất… ú ớ vì đơn giản rằng khá nhiều tình tiết trong thời gian ấy chưa được cập nhật trên mạng!

Một tháng sau ngày ChatGPT ra đời, bắt đầu xuất hiện nhiều ý kiến nói về mặt trái của nó. Nhà báo Tim Braker của tờ Washington Post đã thử nghiệm bằng cách đưa ra câu hỏi: “Quốc gia lớn nhất ở Trung Mỹ nhưng không phải là Mexico là quốc gia nào?” thì thay vì trả lời là Nicaragua, ChatGPT đã trả lời là Guatemala! Richard Claymann, giáo sư ngành xã hội học, Đại học Harvard nói: “Sự bất cập của ChatGPT nằm ở chỗ nếu một sinh viên sử dụng nó để làm một bài luận văn chính trị chẳng hạn mà không xem xét từng câu chữ thì rất có thể luận văn ấy sẽ chứa đầy những ý kiến chủ quan bằng giọng điệu của kẻ có quyền”.

Ngay cả Sam Altman, CEO của OpenAI cũng cho rằng “chúng ta có thể đạt được trí tuệ nhân tạo tổng quát đích thực trong thập kỷ tới nhưng chúng ta cũng phải cực kỳ nghiêm túc mà nhận lấy rủi ro do nó mang lại”, còn với nhiều nhà nghiên cứu khác về khoa học máy tính thì cùng chung nhận xét “ChatGPT đưa ra khá nhiều câu trả lời sai nhưng lại rất tự tin!”. Có lẽ vì thế nên rất nhiều tạp chí quốc tế ở đủ mọi thể loại không cấm người viết sử dụng ChatGPT trong tác phẩm của mình nhưng phải ghi rõ những phần nào là của ChatGPT, phần nào là của tác giả đồng thời phải chịu trách nhiệm về những gì ChatGPT công bố.

Riêng các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng như Nature Materials, Science, Advanced Materials, Advanced Energy Materials, Advanced Functional Materials, Physical Chemistry Chemical Physics, Chemistry of Materials, Applied Physics Letters… không chấp nhận các công trình nghiên cứu khoa học sử dụng ChatGPT.

Phải thừa nhận rằng cho đến nay, trí tuệ nhân tạo đã tiến một bước dài, từ việc tự động trả lời các dịch vụ như đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, hướng dẫn đi đường, trả lời phần lớn thắc mắc về những sự kiện trong cuộc sống nhưng có điều chắc chắn là nó vẫn chưa hoàn toàn thay thế được trí óc con người vì một điều đơn giản là nó không - hoặc chưa có cảm xúc.

Vì thế, hãy sử dụng ChatGPT nếu bạn thích còn tin nó một cách tuyệt đối hoặc áp dụng những điều nó hướng dẫn thì nên dè chừng.

VĂN CAO

;
.