Ngày 16/2, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, dù chưa đạt được cam kết mới về chi tiêu quốc phòng, nhưng các nước thành viên liên minh vẫn cần đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này.
Binh sĩ Đức tại một căn cứ quân sự ở Rukla (Litva). |
Phát biểu sau cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh, các quốc gia thành viên nên cam kết chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng.
Ông Stoltenberg cho biết thêm, các nước thành viên NATO đang tăng cường sản xuất đạn pháo cỡ 155mm và nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy hoạt động này hơn nữa để hỗ trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp với những người đồng cấp NATO tại Brussels, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này và các nước châu Âu khác sẽ cung cấp thiết bị quân sự, trong đó có cả phụ tùng thay thế cho xe tăng, và đạn dược cho Ukraine thông qua một quỹ quốc tế.
Anh cùng với Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Litva đã nhất trí gửi gói hỗ trợ ban đầu trị giá hơn 200 triệu bảng Anh (241 triệu USD) cho Ukraine.
Cũng trong ngày 16/2, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã kêu gọi các nước tham gia cùng với Đức gửi xe tăng cho Ukraine và thực hiện nhanh nhất có thể.
Ông Borrell đưa ra lời kêu gọi này sau khi có thông tin cho rằng, Đan Mạch và Hà Lan sẽ không giao xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine.
Nga cho rằng, việc các nước NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine đang làm cuộc xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ leo thang hơn nữa. Điện Kremlin cũng đã nhiều lần cảnh báo tình hình leo thang có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của NATO và Mỹ vào cuộc xung đột hiện nay.
TRẦN QUYÊN