"HỘI CHỨNG STOCKHOLM" - KHI NẠN NHÂN ĐỒNG LÕA VỚI TỘI PHẠM

Kỳ 2: Những tình cảm lạ lùng

Thứ Sáu, 10/02/2023, 19:40 [GMT+7]
In bài này
.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Trở lại vụ cướp Ngân hàng Sveriges Kreditbanken, sau khi nêu ra 3 điều kiện với ông Hansen, cảnh sát trưởng thành phố Stokholm để phóng thích 4 nhân viên, Olsson yêu cầu cả 4 người phải theo hắn xuống căn hầm dùng làm nơi chứa những két sắt.

Olsson lúc bị dẫn giải ra khỏi ngân hàng Sveriges Kreditbanken.
Olsson lúc bị dẫn giải ra khỏi ngân hàng Sveriges Kreditbanken.

Thấy cô nhân viên Kristin Enmark run rẩy vì lạnh, Olsson lấy áo khoác của mình choàng lên vai cô. Kristin kể: “Hành động ấy khiến tôi rất ngạc nhiên vì theo những gì tôi đã đọc, đã xem trên báo chí, truyền hình thì bọn cướp đều là những kẻ máu lạnh”.

Sự ngạc nhiên lại tăng lên khi Olsson lấy từ khẩu súng ra một viên đạn rồi đưa cho Kristin: “Hãy giữ lấy làm kỷ niệm. Có thể sau này chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại nhau”.

Với cô nhân viên Birgitta Lundblad, khi cô xin Olsson cho cô điện thoại về nhà vì cô có đứa con trai 2 tuổi thì Olsoon nhanh chóng gật đầu. Tới hồi thấy Birgitta khóc nức nở vì gọi nhiều lần mà chẳng ai nghe máy, Olsoon nói: “Hãy thử nữa đi. Đừng bỏ cuộc”.

Một nhân viên khác là Elisabeth Oldgren kể: “Tôi nói với Olsson là tôi mắc phải chứng sợ không gian hẹp thì anh ta cười. Một lát, không biết anh ta tìm đâu ra sợi dây dài khoảng 10 mét, buộc vào cổ chân tôi rồi cho phép tôi ra ngồi ngoài cửa hầm cùng lời dặn đừng tháo dây ra nhé”.

Và mặc dù hoàn toàn có thể thoát thân vì nhiều lúc Olsson chẳng buồn để ý đến cô nhưng theo Elisabeth: “Dẫu Olsson là tội phạm nhưng khi hắn đã tin tôi thì tôi thấy mình không thể phản bội lòng tin ấy”.

Đến trưa, đột ngột Olsson hỏi: “Ai muốn ăn gì nào?” khiến 4 con tin ngơ ngác. Olsson pha trò: “Thích gì thì cứ nói. Tôi sẽ gọi họ đem vào, miễn phí mà các bạn!”. Sven Safstrom, nhân viên nam giới duy nhất trong số 4 con tin nhớ lại: “Tôi biết anh ta không nói đùa nên tôi bảo cho tôi ức gà nhồi pho mai, bánh mì nướng bơ tỏi và nước táo”.

Nữ nhân viên Birgitta Lundblad nói: “Trong tình cảnh này, chúng tôi đâu còn lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện ăn uống”. Hình như hiểu được tâm lý, Olsson cười: “Cứ ăn no đi, Tôi e rằng các bạn sẽ còn phải ở đây lâu đấy”.

Cuối cùng, khi 4 con tin đã chọn xong món ăn, Olsson điện thoại yêu cầu cảnh sát cho người đem vào với điều kiện “đi một mình, không súng”. Trung sĩ cảnh sát Kruff, người mang thức ăn cho con tin kể: “Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cả 4 người đều không có dấu hiệu gì là sợ hãi. Thậm chí khi Birgitta Lundblad đưa tôi 1 tờ giấy, nhờ tôi chuyển cho chồng cô để dặn về chuyện chăm sóc đứa con, Olsson chẳng thèm ngăn cản và cũng chẳng cần nhìn xem tờ giấy viết gì”.

Ngày thứ 2 của vụ cướp, cảnh sát trưởng Hansen đề nghị Olsson cho một bác sĩ vào kiểm tra sức khỏe và tinh thần của 4 con tin thì được hắn đồng ý. Lúc trở ra, bác sĩ này cho biết ông không nhận thấy bất cứ một dấu hiệu nào chứng tỏ 4 con tin sợ hãi hoặc suy sụp tinh thần: “Tôi thấy mối quan hệ giữa con tin và Olsson rất thoải mái. Thậm chí ngay trước mặt tôi, cô Kristin Enmark còn điện thoại cho Văn phòng Thủ tướng Olof Palme, cầu xin thủ tướng chấp thuận 3 yêu cầu của Olsson. Chưa hết, Kristin  còn tình nguyện đi theo tên cướp để bảo đảm an toàn cho hắn”.

Ngày thứ 3 rồi thứ 4, việc đàm phán vẫn dậm chân tại chỗ. Lý do ông Hansen đưa ra với Olsson là “nếu muốn có 1 triệu USD thì cảnh sát phải đề nghị với Bộ Tài chính vì nơi này quản lý ngoại tệ, rồi Bộ Tài chính còn phải xin ý kiến chính phủ”.

Theo ông Hansen, mục đích của ông chỉ là kéo dài thời gian nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công, giải thoát con tin. Ông nói: “Những hình ảnh chụp từ camera bí mật của cảnh sát Kruff, người mang thức ăn vào tầng hầm giúp chúng tôi xác định được vị trí của con tin…” nhưng theo Kruff, lợi dụng sự sơ hở của Olsson, anh ta đã nói nhỏ với một con tin khi cúi xuống đưa mấy quả táo: “Nếu nghe tiếng súng, hãy nói với mọi người là dồn sát vào những chiếc két sắt”. Kruff kể: “Nghe tôi nói xong, cô nhân viên nhìn tôi với cặp mắt thù địch. Lúc ấy tôi không hiểu vì sao nhưng sau này tôi mới biết các nhà khoa học gọi đó là Hội chứng Stockholm!”.

10 giờ tối ngày 18/8, sau gần 6 ngày xảy ra vụ cướp, cảnh sát bắn hơi cay xuống hầm ngân hàng rồi xông vào. Olsson bị bắt mà không hề phản ứng. Khi cảnh sát định đưa 4 con tin ra trước thì Kristin Enmark hét lớn: “Không! Tôi và anh Olsson cùng ra. Không thể để anh ấy ở lại một mình rồi bị giết”.

Lúc Kristine và Olsson ra đến cửa hầm, 3 nhân viên còn lại là Birgitta, Safstrom và Elisabeth cùng chạy đến. Cả 3 ôm chặt Olsson rồi nói “chúng tôi sẽ gặp lại anh”. Sự gắn bó dường như phi lý của các con tin với kẻ đã bắt họ khiến cảnh sát bối rối, thậm chí họ còn điều tra xem liệu Kristin có phải là đồng lõa với Olssom trong vụ cướp hay không.

Kristin nói: “Tôi không thể giải thích được vì sao tôi lại làm như vậy. Chẳng riêng gì tôi mà cả 3 người kia cũng thế. Không ai ghét Olsson và cũng chẳng ai muốn anh ta bị hại”.

Vài ngày sau, khi Olsson bị đưa vào nhà tù, cảnh sát lại thêm một lần ngạc nhiên khi cả 4 con tin cùng đến thăm hắn. Việc thăm viếng kéo dài mãi đến năm 1980, khi Olsson được tha rồi đổi tên thành Daniel Demuynck. Sau đó, Olsson  chuyển đến sống ở vùng nông thôn cách thủ đô Brussels, Bỉ, 80 km.

Lúc còn ở tù, Olsson ghi danh học Khoa báo chí tại Đại học Stockholm dưới hình thức từ xa và đã nhận bằng tốt nghiệp. Cuốn tự truyện do Olsson viết về cuộc đời mình đã trở thành sách bán chạy nhất khi nó được xuất bản năm 2009.

Đầu năm 1975, trong các giáo trình của ngành Tội phạm học và Tâm lý học xuất hiện cụm từ “Hội chứng Stockholm” để nói về hiện tượng Olsson. Ngoài vụ cướp Ngân hàng Sveriges Kreditbanken, những người biên soạn còn đưa ra một loạt các dẫn chứng, trong đó có chuyện Caroline, 16 tuổi ở bang Ohio, Mỹ, bị Jack Brown bắt cóc đòi tiền chuộc năm 1974. Thế nhưng trong quá trình giam giữ, Caroline lại nảy sinh cảm tình với kẻ đã bắt mình, thậm chí cô bé nhiều lần chủ động đến một trạm điện thoại công cộng gọi về nhà, hỏi xin “100.000USD vì rất cần thiết”.

Khi cảnh sát định vị được trạm điện thoại và lời khai của một số người đã nhìn thấy cô bé, họ đột kích vào nhà của Brown, nơi giam giữ Caroline nhưng họ sững người khi thấy Caroline cùng Brown vừa ăn bánh, vừa coi tivi! Cô bé khẳng định mình không bị bắt cóc mà chủ động đi theo Brown. Ra tòa, Caroline vẫn giữ nguyên lời khai. Kết quả Brown trắng án ngoại trừ hình phạt 6 tháng quản chế không giam giữ vì “dụ dỗ gái vị thành niên”.

Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu vì sao một kẻ đầu trộm đuôi cướp như Olsson lại hành xử kỳ lạ trong vụ cướp Ngân hàng Sveriges Kreditbanken nhưng về phía con tin, các chuyên gia tội phạm học, tâm lý học đều cho rằng “Hội chứng Stockholm” phát xuất từ nỗi sợ hãi ban đầu của những người bị bắt vì họ nghĩ sẽ bị tra tấn, đánh đập, ngược đãi và thậm chí còn có thể bị giết.

Tuy nhiên sau một thời gian ở cùng tội phạm, họ lại được đối xử tử tế, thậm chí còn là những gần gũi thân mật nên từ đó, họ nảy sinh niềm tin rằng kẻ tội phạm ấy “không phải là người ác”.

Và khi nạn nhân nghĩ “không phải là người ác” thì chính là lúc “Hội chứng Stockholm” bắt đầu xuất hiện…

VŨ CAO

(Theo Stockholm Syndrome)

;
.