Theo trang The Guardian, ngoài Ukraine, có các cuộc khủng hoảng quốc tế khác, cả đang xảy ra và sắp xảy ra, sẽ đòi hỏi thế giới phải chú ý nhiều hơn vào năm 2023. Ba chiến trường địa chính trị đặc biệt khó có thể bỏ qua là Đông Á, Trung Đông và Mỹ - châu Âu.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) “Hwasong Gun 17” của Triều Tiên ngày 18/11/2022. |
Căng thẳng quân sự gia tăng ở Đông Á đòi hỏi sự chú ý đặc biệt, sau khi Nhật Bản có quyết định gây ngạc nhiên là tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng. Nhật Bản đứng thứ 9 trên thế giới về chi tiêu quân sự. Bây giờ, nước này có thể tiến lên vị trí thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc. Quan trọng hơn, sự gia tăng chi tiêu quân sự này đánh dấu một bước thay đổi mạnh mẽ của Nhật Bản sau năm 1945. Đáng chú ý, các cuộc thăm dò cho thấy người dân Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ thay đổi này.
Các yếu tố khiến Hàn Quốc và các quốc gia khác trong khu vực tăng cường quân sự cũng là những yếu tố đã thúc đẩy hình thành AUKUS (hiệp ước an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ) và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác trong nhóm “Bộ tứ Kim cương” (QUAD), gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Tất cả các quốc gia này đều có thể vướng vào các vấn đề liên quan điểm nóng Triều Tiên và Đài Loan.
Tiếp đó là Trung Đông – nơi mà trong nhiều thập kỷ là trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ nhưng đã không được chú ý nhiều gần đây. Tuy nhiên, năm 2023 có thể là năm mà một loạt vấn đề phát sinh tại đây.
Tuần trước, ông Benny Gantz, Bộ trưởng Quốc phòng sắp mãn nhiệm của Israel, đã dự đoán rằng sẽ có leo thang đẫm máu ở Bờ Tây. Bạo lực liên quan đến quân đội Israel, người định cư Do Thái và người Palestine đã đạt mức kỷ lục vào năm 2022.
Iran cũng đang ở gần điểm bùng nổ do các cuộc biểu tình chống chính phủ đang lan rộng và vì các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây có nguy cơ sụp đổ.
Đối đầu quân sự Israel - Iran có thể xảy ra. Điều đó có thể lôi kéo Iraq và Syria cũng như Nga vào cuộc xung đột này. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan có thể tấn công người Kurd ở Syria một lần nữa.
THÙY DƯƠNG