Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, giảm so với mức 458 USD/tấn trong tuần trước, trong khi gạo Thái Lan tăng từ 480 USD/tấn lên 495 USD/tấn ngày 12/1.
Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. |
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trong tuần này lên mức cao nhất trong gần 2 năm nhờ đồng baht mạnh và nhu cầu ổn định, trong khi giá gạo Việt Nam giảm xuống mức thấp của 6 tuần do hoạt động giao dịch chậm lại trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán.
Các thương nhân cho biết giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng từ 480 USD/tấn trong tuần trước lên 495 USD/tấn ngày 12/1, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021 nhờ đồng USD mạnh lên và nhu cầu trong nước nhiều hơn.
Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết mức giá trên là mức cao nhất trong 3-4 năm qua vì đồng baht mạnh và nhu cầu từ Indonesia. Nhà giao dịch này cho hay giá gạo có thể lên tới 500 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 445-450 USD/tấn, giảm so với mức 458 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết giao dịch chậm lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần. Các nhà xuất khẩu đang tập trung giao các hợp đồng đã ký, trong khi nguồn cung trong nước thấp sau khi xuất khẩu nhiều trong năm 2022. Các nhà giao dịch cho biết vụ thu hoạch Đông-Xuân, vụ mùa lớn nhất trong năm, sẽ bắt đầu vào tháng 2/2023 và cao điểm từ giữa tháng 3/2023.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, được chào bán ở mức 375-382 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo trắng tại Ấn Độ đã tăng lên 398-405 USD/tấn so với mức 394-400 USD/tấn trong tuần trước đó nhờ nhu cầu tốt.
Một đại lý của công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại New Delhi cho biết các khách hàng đang ưu tiên gạo Ấn Độ hơn bất chấp thuế xuất khẩu. Nguồn cung của Ấn Độ rẻ hơn ít nhất 50 USD/tấn so với các nước khác.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản đều tăng trong phiên ngày 13/1 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, dẫn đầu là đậu nành.
Khép phiên này, giá bắp giao tháng 3/2023 tăng 4 xu Mỹ (0,6%) lên 6,75 USD/bushel. Giá đậu nành giao tháng 3/2023 tăng 9,25 xu Mỹ (0,61%) lên 15,2775 USD/bushel. Còn giá lúa mì giao tháng 3/2023 chỉ tăng 1 xu Mỹ (0,13%) lên 7,4375 USD/bushel (1 bushel lúa mì/đậu nành = 27,2 kg; 1 bushel bắp = 25,4 kg).
Thị trường CBOT phục hồi trước kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) không công bố số liệu doanh số bán hàng mới.
Xu hướng giá trung lập sẽ được kéo dài sang mùa Xuân sau khi Mỹ cắt giảm sản lượng vào ngày 12/1. Vẫn khó để có thể lạc quan về thị trường nông sản trong thời gian dài trong bối cảnh thiếu yếu tố thúc đẩy nhu cầu và cải thiện độ ẩm trong đất tại Mỹ và châu Âu. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago tiếp tục bán ra chốt lời.
Doanh số xuất khẩu bắp trong tuần kết thúc vào ngày 5/1 là 10 triệu bushel, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp nối đà tăng.
Giá cà phê robusta giao tháng 3/2023 tăng thêm 35 USD lên 1.916 USD/tấn và giá cà phê robusta giao tháng 5/2023 tăng thêm 32 USD, lên 1.879 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE US-New York cùng xu hướng tăng. Giá cà phê arabica giao tháng 3/2023 tăng 2,30 xu Mỹ lên 151,70 xu Mỹ/lb và giá cà phê arabica giao tháng 5/2023 tăng 2,40 xu Mỹ lên 152,55 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 600-700 đồng, dao động trong khung 41.500-42.100 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn tiếp nối đà tăng khi chỉ số đồng USD giảm sau khi thị trường suy đoán Fed chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% tại phiên họp chính sách giữa tháng 2/2023 tới. Điều này đã hỗ trợ tâm trạng nhà đầu tư trên toàn cầu cùng với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy các Quỹ đầu cơ hàng hóa quay lại tăng mua.
MINH HẰNG