Chính phủ mới ở Italy sẽ tác động thế nào với EU và cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Thứ Tư, 28/09/2022, 18:50 [GMT+7]
In bài này
.

Cuộc bầu cử hôm 25/9 chứng kiến ​​một liên minh cánh hữu do ứng cử viên cực hữu Giorgia Meloni lãnh đạo giành được chiến thắng đa số vang dội ở cả thượng viện và hạ viện của cơ quan lập pháp Italy có thể dẫn đến nhóm chính trị bảo thủ trở thành khối lớn thứ ba trong Hội đồng châu Âu.

Bà Giorgia Meloni sẵn sàng thành lập chính phủ mới ở Italy sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/9.
Bà Giorgia Meloni sẵn sàng thành lập chính phủ mới ở Italy sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/9.

Liên minh cánh hữu bao gồm đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni, đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini và đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Bà Meloni cũng là Chủ tịch của đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), trong đó FdI là một thành viên.

Nếu bà Meloni trở thành thủ tướng tiếp theo của Italy, nhóm chính trị của bà sẽ trở thành khối lớn thứ ba về quân số sau các đảng viên Xã hội - Dân chủ (S&D) và Tự do (Đổi mới châu Âu) trong Hội đồng châu Âu, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực trong Cơ quan thiết lập đường lối chiến lược của EU bao gồm các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của khối.

Trong khi đó, mối lo ngại lớn nhất đối với EU có lẽ liên quan đến vấn đề kinh tế. Khoản nợ khổng lồ của Italy được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định của châu Âu nếu Rome thay đổi kế hoạch tài chính do thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi, người được EU ủng hộ, đang tiến hành.

Vì vậy, kế hoạch phục hồi của Italy mà Thủ tướng Mario Draghi đã đàm phán với Brussels cũng có thể trở thành một chiến trường mới. Kế hoạch yêu cầu Italy tiến hành cải cách hệ thống hành chính và tư pháp để tiếp cận 200 tỷ euro tài trợ của EU.

Do đó, cuộc bầu cử ở nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực đồng euro đã được theo dõi chặt chẽ ở châu Âu, trước những lời chỉ trích của bà Meloni về “các quan chức ở Brussels” và mối quan hệ của bà với các nhà lãnh đạo cánh hữu khác - gần đây bà đã bảo vệ Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi Ủy ban châu Âu đề nghị đình chỉ hàng tỷ euro trong tài trợ cho Budapest vì lo ngại về vấn đề dân chủ và khả năng quản lý tiền của EU kém.

Bên cạnh đó, Italy có thể xung đột với Brussels về một loạt vấn đề bao gồm pháp quyền, quyền công dân trong nước, quyền của người thiểu số và chính sách di cư.

Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo Italy về những hậu quả nếu nước này rời xa các nguyên tắc dân chủ, đưa ra lời đe dọa gần như công khai trước cuộc bầu cử hôm 25/9. Bà der Leyen lưu ý rằng Brussels có “công cụ” để đối phó với các quốc gia thành viên “đi chệch hướng”.

Các chuyên gia cho rằng chiến thắng của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử của Iltay có khả năng chuyển thành việc Rome gia nhập vào nhóm cùng với Ba Lan và Hungary bằng cách áp dụng lập trường chia rẽ về các vấn đề của EU. Luca Tomini, một nhà khoa học chính trị từ Đại học Free Brussels, nói: “Chắc chắn sẽ có một sự thay đổi trong chính sách của chính phủ mới so với trước đây”.

“Chiến thắng của bà Meloni trong cuộc bầu cử ở Italy có nghĩa là một mối đe dọa lớn khi nền dân chủ phi tự do lan rộng. Hình mẫu của bà Meloni là Thủ tướng Hungary Orbán, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Benito Mussolini (lãnh đạo phong trào phát xít đầu tiên ở châu Âu rồi cầm quyền tại Italy từ năm 1922 đến 1943)”, Udo Bullmann, Nghị sĩ châu Âu của Đức từ đảng dân chủ xã hội SPD và là cựu Chủ tịch S&D, nói, đồng thời cảnh báo rằng điều này có thể có tác động rộng hơn đến chế độ pháp quyền ở châu Âu.

CÔNG THUẬN

;
.