Khi cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì ở những nơi cách xa vùng chiến sự hàng chục ngàn km, người dân châu Phi đã cảm nhận được sức nóng của chiến sự bởi sự thiếu đói. 40% lượng lúa mì, ngô, dầu hướng dương nhập khẩu từ Nga, Ukraine nay đã không còn.
Trẻ em Nam Sudan xếp hàng chờ nhận thực phẩm cứu trợ. |
Cũng giống như Yemen, xung đột Nga-Ukraine đã khiến Nam Sudan phải chống chọi với nạn đói tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ông David Beasley nói: “Một tình huống khẩn cấp với 8,3 triệu người Nam Sudan đang xuất hiện ngay trước mắt, chưa kể thảm kịch tương tự cũng xảy ra ở Eritrea, Ethiopia và Djibouti trong lúc cả thế giới tập trung sự chú ý vào Ukraine…”.
Ông Mohammed Soliman, học giả tại Viện Trung Đông ở Washington, Mỹ, cho rằng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga làm dấy lên lo ngại với nhiều quốc gia châu Phi và vùng Cận Đông do phải tính toán cân bằng lợi ích trong việc liên kết với Washington hoặc Moscow. Ông nói: “Tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga là sự thể hiện rõ ràng sức mạnh địa chính trị của phương Tây nhưng người chịu ảnh hưởng trực tiếp lại là người dân ở các nước nghèo”.
Ông Stronski, thành viên cao cấp của chương trình Nga và Á-Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế cho rằng: “Do xung đột, Ukraine sẽ khó mà trồng trọt hoặc xuất khẩu lương thực trong năm nay nên dù có muốn ủng hộ Ukraine chăng nữa, một số quốc gia vẫn phải tìm mua lúa mì ở chỗ khác. Điều đó dẫn đến nguồn cung gián đoạn, giá cả tăng cao, cộng với những bất ổn chính trị có sẵn, là sự phối hợp để hình thành nên những mối nguy hiểm tiềm tàng ”.
Ở Liban, theo đánh giá của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) 22% phần trăm hộ gia đình bị mất an ninh lương thực sẽ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã tuyệt vọng. Quốc gia này nhập khẩu 80% lúa mì từ Nga và Ukraine nhưng chỉ có thể dự trữ khoảng một tháng do vụ nổ ở cảng Beirut năm 2020 đã phá hủy các kho chứa ngũ cốc chính.
Đã vậy, lượng tiền gửi về của người lao động ở Nga, chiếm hơn 11% GDP bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất giá của đồng rúp. Trong tuần lễ đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukrain nổ ra, giá bột mì tăng lên 30% mặc dù trước đó, ngày 26-2 Bộ Kinh tế và Thương mại Liban cho biết quốc gia này đã chuẩn bị lượng lúa mì dự trữ chiến lựợc trong 6 tháng nhưng không thể ngăn chặn được việc tăng giá.
Đến ngày 7/3, Bộ Kinh tế và Thương mại Liban quyết định áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng toàn diện, bao gồm đình chỉ hoạt động của các công ty, nhà máy sản xuất, chế biến bột mì không tuân thủ quy chế phân phối đã được phê duyệt cũng như không duy trì mức giá do Bộ ấn định. Bên cạnh đó, các quyết định khác bao gồm gia tăng dự trữ bột mì bằng cách cho phép các nhà máy hoạt động hết công suất trong thồi gian ít nhất là 3 tháng, hạn chế việc phân phối bột mì cho các tiệm bánh và áp giá 110 dinar (đơn vị tiền tệ Liban, tương đương 22USD) cho một bao bột 50kg.
Năm 2021, các quốc gia châu Phi đã mua từ Nga 4 tỷ USD nông sản. Khoảng 90% trong số này là lúa mì và 6% là dầu hướng dương. Các nước nhập khẩu chính là Ai Cập, chiếm gần một nửa lượng hàng hóa, tiếp theo là Sudan, Nigeria, Tanzania, Algeria, Kenya và Nam Phi.
Tương tự như vậy, cũng trong năm 2021, Ukraine đã xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trị giá 2,9 tỷ USD sang lục địa châu Phi. Khoảng 48% trong số này là lúa mì, 31% là ngô, phần còn lại bao gồm dầu hướng dương, lúa mạch và đậu nành. Điều đó đã khiến Nga và Ukraine là những mắt xích quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu.
Đáng chú y là vài ngày trước cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giá quốc tế của một số mặt hàng đã tăng đột biến, bao gồm ngô tăng 21%, lúa mì tăng 35%, đậu nành tăng 20% và dầu hướng dương tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Ở Cận Đông, Syria là quốc gia đồng minh với Nga và cũng là nơi phụ thuộc nhiều nhất vào lúa mì nhập khẩu từ Nga. Theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), 13,4 triệu người ở Syria đang bị mất cân đối trầm trọng với chuỗi thức ăn này và xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt lương thực trong bối cảnh thỏa thuận nhập khẩu lúa mì ký kết giữa Syria và Nga đã bị đình chỉ bởi các lệnh cấm vận.
Ngay trong ngày đầu tiên khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra - ngày 24/2 - Chính phủ Syria đã ban hành những biện pháp nhằm giảm thiếu các tác động bất lợi về kinh tế, đặc biệt là đối với khu vực đông bắc và tây bắc, chẳng hạn như tăng giá các mặt hàng không thiết yếu, tăng dự trữ lúa mì, nhiên liệu, trợ giá cho việc nhập khẩu lúa mì thông qua Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù 90% lượng lúa mì của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lại mua từ Ukraine!
Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về những thách thức địa chính trị đang ở phía trước nhưng đối với một số quốc gia châu Phi, Cận Đông, có nhiều lý do để lo lắng vì an ninh lương thực của họ phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc, phân bón.
Và nếu cuộc xung đột này kết thúc sớm - trong tháng 4 hoặc tháng 6 năm nay chẳng hạn thì nhanh nhất cũng phải đến đầu năm sau, tình hình mới có thể cải thiện với điều kiện các lệnh cấm vận do Mỹ và một số quốc gia châu Âu áp đặt lên Nga được rỡ bỏ.
Thế nên trong ngắn hạn, sẽ rất khó để giảm thiểu các tác động toàn cầu gây ra bởi cuộc khủng hoảng bởi lẽ với lệnh cấm vận như hiện nay, các công ty bảo hiểm trên thế giới không sẵn sàng bảo hiểm cho những con tàu chở hàng di vào hoặc đi ra từ Biển Đen dù nó thuộc quyền sở hữu của những quốc gia không nằm trong phạm vi của các lệnh cấm vận.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tháng 1/2022, chỉ số giá lương thực thế giới nằm ở mức 136 điểm, tăng 1% so với tháng 12/2021, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2011 đến nay.
Ertharin Cousin, cựu giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới nói: “Điều đó có thể dẫn đến một cơn đại hồng thủy về giá thực phẩm. Và nếu cơn đại hồng thủy ấy không được kiểm soát bằng một thỏa thuận ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Ukraine thì rất có thể nó sẽ lan đến nhiều quốc gia khác và lần này, hậu quả do nó gây ra không chỉ là một “mùa xuân Arab”…
VŨ CAO (Theo Economist)