Liên hợp quốc tìm cách đưa hàng hóa Nga, Ukraine trở lại thị trường

Thứ Năm, 05/05/2022, 21:07 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 5/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, ông đang tìm kiếm đối thoại để có thể đưa các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga và Ukraine trở lại các thị trường trên thế giới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng “ba chiều” mà cuộc chiến Ukraine gây ra cho các nước đang phát triển.

Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Moskva, Nga.
Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở Moskva, Nga.

Chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Moskva đã làm gián đoạn chuỗi cung lúa mì cũng như các sản phẩm lương thực khác từ cả hai nước và đẩy giá xăng dầu lên cao, làm ảnh hưởng tới tình hình lạm phát ở các nước đang phát triển.

Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu hàng đầu về lúa mì, bắp, dầu hạt cải và dầu hoa hướng dương. Nga cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt và phân bón lớn nhất thế giới.

Phát biểu trong buổi họp báo cùng Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, khi tới thăm thủ đô Abuja, ông Guterres cho rằng, không thể có giải pháp thực sự cho vấn đề khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu nếu không đưa các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga, Ukraine và Belarus trở lại thị trường, cho dù xung đột đang diễn ra.

Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định quyết tâm sẽ làm tất cả để hỗ trợ đối thoại nhằm đạt được mục tiêu nói trên.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định rằng, cuộc chiến Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể tới Trung Đông và Bắc Á và “giáng một đòn” rất mạnh vào các quốc gia có thu nhập thấp, thậm chí cảnh báo tình trạng thiếu xăng dầu, nhiên liệu có thể dẫn tới bạo loạn ở châu Phi.

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Mohammed Barkindo ngày 5/5 cho rằng, các nước khai thác dầu mỏ khác sẽ không thể thay thế nguồn cung dầu mỏ của Nga trên thị trường.

Ông Barkindo được dẫn lời nói: “Đương nhiên lượng dầu xuất khẩu hơn 7 triệu thùng/ngày của Nga không thể được thay thế bằng các nguồn khác. Đơn giản là không có khả năng”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen trước đó trong ngày cho biết, EC trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, đề xuất cấm theo từng giai đoạn đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào Liên minh châu Âu (EU).

Theo bà von der Leyen, việc từ chối dầu mỏ của Nga sẽ diễn ra từng bước cho tới cuối năm nay. Người phát ngôn EC Eric Mamer nêu rõ rằng, đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga có tính đến thực tế là một số nước EU, vì một số lý do, phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn năng lượng của Nga.

HẢI VÂN

;
.