AMRO đánh giá kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ

Thứ Hai, 23/05/2022, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Theo đánh giá sơ bộ của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) sau chuyến tham vấn thường niên của các chuyên gia hàng đầu của tổ chức này đến Việt Nam mới đây, nền kinh tế Việt Nam đã khởi sắc mạnh mẽ vào đầu năm 2022 nhờ chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tích cực, nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ đối với sản phẩm sản xuất của nước này, động lực từ nhu cầu nội địa và các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bền bỉ.

Quý I/2022 doanh thu hoạt động logistics, cảng tăng. Trong đó, doanh thu Cảng Gemalink (ảnh) thuộc BR-VT tăng 5 lần. Ảnh: TRÀ NGÂN
Quý I/2022 doanh thu hoạt động logistics, cảng tăng. Trong đó, doanh thu Cảng Gemalink (ảnh) thuộc BR-VT tăng 5 lần. Ảnh: TRÀ NGÂN

Tiến sĩ Sanjay Kalra thuộc AMRO nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế. Triển vọng tích cực này dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, sự phục hồi tiêu dùng trong nước và các dòng vốn đầu tư lành mạnh, được thúc đẩy nhờ lập trường chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp”.

Theo đánh giá, tình hình lây lan dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại Việt Nam đã giảm mạnh vào tháng 4/2022 và Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế biên giới cũng như các biện pháp kiểm soát trong nước. Khoảng cách tổng sản lượng sẽ được thu hẹp đáng kể vào cuối năm 2022, tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều khắp các lĩnh vực. Mặc dù sản lượng của cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều đã vượt mức năm 2019, nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong ngành du lịch, khách sạn và logistics.

Lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam dự kiến vẫn được kiềm chế dưới 3,5% năm 2022, khi các cơ quan chức năng lên kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn giá dầu và điều hành giá để bù đắp cho áp lực phát sinh từ những diễn biến về giá năng lượng trên toàn cầu.

Với tính chu kỳ của nền kinh tế, AMRO khuyến nghị Việt Nam cần có một lập trường chính sách tài chính hỗ trợ nhẹ nhàng vào năm 2022. Với dư địa tài khóa sẵn có và sự phục hồi không đồng đều khắp các lĩnh vực kinh tế và xã hội, chính sách này cần phải đem lại sự hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là lĩnh vực vi mô, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Ngoài ra, các điều kiện tiền tệ cần được bình thường hóa để kiềm chế áp lực lạm phát và giảm bớt sự mất cân bằng tài chính vốn đã xuất hiện trong môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, điều cần thiết là phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu tài chính của SMEs và các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đồng thời cung cấp đủ vốn cho các lĩnh vực có hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, vì nó cân bằng các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và ổn định lĩnh vực tài chính.

Về mặt ổn định tài chính, AMRO cho rằng Việt Nam cần có các nỗ lực gia tăng nguồn vốn dự phòng để chuẩn bị cho sự suy giảm tài sản do chính sách hoãn nợ sắp hết hiệu lực. Việt Nam cũng cần có một khuôn khổ chính sách bảo mật vĩ mô để giải quyết tình trạng mất cân đối trên thị trường bất động sản.

Theo AMRO, khi đạt được tiến bộ vượt ra khỏi vị trí quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam sẽ cần thực hiện những cải cách trên một loạt lĩnh vực và điều chỉnh chính sách huy động tài chính cho tăng trưởng, phát triển và cần củng cố hơn nữa lòng tin của nhà đầu tư.

NGUYỄN THÚY

 
;
.