Nhiệm kỳ thứ hai đầy thách thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Ông Emmanuel Macron đã tái đắc cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ hai với những khó khăn phải đối mặt có thể còn lớn hơn trong nhiệm kỳ đầu.
Người ủng hộ mừng ông Emmanuel Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai, tại Paris, ngày 24/4. |
Trở ngại đầu tiên mà ông Macron vấp phải có thể là sự phản đối của dân chúng trước các kế hoạch cải cách, đặc biệt là cải cách lương hưu, với việc tăng dần độ tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65.
Lương hưu luôn là một chủ đề "nóng" tại Pháp và ông Macron sẽ không có thẩm quyền thực hiện cải cách như 5 năm trước, dù trở thành vị Tổng thống duy nhất của nước này tái đắc cử trong hai thập niên.
Nhà kinh tế tại Christopher Dembik, Saxo Bank, cho rằng ông Macron có thể sẽ đối mặt với sự bất mãn xã hội nếu muốn thực thi những cải cách nhạy cảm như lương hưu.
Một dấu hiệu báo trước những khó khăn phía trước là những cử tri phản đối cải cách lương hưu đã cảnh báo sẽ buộc ông phải chấp thuận độ tuổi nghỉ hưu là 64.
Ông Philippe Martinez, người đứng đầu CGT, một trong những nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp, đã nói ông Macron sẽ không có "tuần trăng mật" và có thể sẽ diễn ra biểu tình nếu ông không thay đổi quan điểm.
Một vấn đề khác mà ông Macron sẽ phải giải quyết là việc giá năng lượng tăng vọt. Chính phủ của ông Macron đã đặt ra mức trần giá điện và giảm giá cho đến sau cuộc bầu cử. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông khẳng định sẽ bảo vệ các cử tri nếu còn cần thiết nhưng không đưa ra một thời hạn.
Một điều rõ ràng là các biện pháp hỗ trợ tốn kém rồi cũng phải được hủy bỏ. Trong khi đó, các nghị sỹ cho rằng các cử tri đang phàn nàn về việc giá cả mọi loại hàng hóa tăng mạnh, chẳng hạn như dầu hướng dương của Ukraine hay gạo và bánh mỳ.
Năm 2018, giá tăng đã làm nổ ra cuộc biểu tình nghiêm trọng nhất tại Pháp kể từ năm 1968. Ông Macron được cho là sẽ phải hành động thận trọng nếu không muốn điều đó lặp lại.
LÊ MINH