Hơn 50% người Đức phản đối cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Theo kết quả thăm dò dư luận mới đây, hơn 50% số người Đức được hỏi đều phản đối việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine trong khi chỉ có 43% nói rằng họ đồng ý.
Một tòa nhà chung cư bị phá hủy trong cuộc xung đột tại Mariupol, Ukraine. |
Thăm dò ý kiến, do Viện trả lời các vấn đề xã hội của Đức (INSA) tổ chức theo yêu cầu của người Đức cho thấy, kết quả trên thay đổi hẳn so với một cuộc thăm dò tương tự trước đó do Viện Nghiên cứu xã hội và Phân tích thống kê Đức Forsa tổ chức.
Theo kết quả thăm dò của Forsa, 51% số người được hỏi ủng hộ việc giao vũ khí tấn công cho Ukraine, trong khi chỉ có 37% người được hỏi phản đối điều này.
Cũng đầu tháng này, khoảng 20 nhà khoa học, văn hóa và chính trị gia nổi tiếng của Đức, trong đó bao gồm cả cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Antje Vollmer, đã gửi cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz một bức thư ngỏ kêu gọi ngừng giao vũ khí cho Ukraine.
Các bên cho biết trong bức thư rằng, Đức và các nước NATO khác trên thực tế đã biến mình thành một bên tham chiến bằng cách cung cấp vũ khí, do đó Ukraine trở thành “chiến trường cho xung đột giữa NATO và Nga về trật tự an ninh ở châu Âu".
Trước đó, ông Scholz cũng nói rằng, quân đội Đức tuyên bố không còn có thể cung cấp vũ khí cho Ukraine do kho vũ khí thực tế đã cạn kiệt.
Tuy nhiên, ông Scholz nói thêm rằng các giới chức Đức đang làm việc với các nhà sản xuất vũ khí của nước này để đảm bảo việc giao hàng tiếp theo.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 24/4, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết, Ukraine đã đề nghị IAEA hỗ trợ "một danh sách toàn diện các thiết bị" mà nước này cần để vận hành các nhà máy điện hạt nhân trong bối cảnh xung đột với Nga.
Ông Grossi cho biết, danh sách trên bao gồm các thiết bị đo bức xạ, vật liệu bảo hộ, hỗ trợ liên quan đến máy tính, hệ thống cung cấp điện và máy phát điện diesel.
IAEA và các quốc gia thành viên của tổ chức này sẽ cung cấp các phương tiện hỗ trợ này. IAEA sẽ điều phối công tác hỗ trợ, bao gồm cả việc bàn giao thiết bị cần thiết trực tiếp đến những địa điểm hạt nhân của Ukraine.
Ukraine có 15 lò phản ứng đang hoạt động tại 4 nhà máy, trong đó bảy lò phản ứng hiện đang được kết nối với lưới điện. Trong số 7 lò trên có 2 lò ở cơ sở Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát.
Liên quan vấn đề nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine, ông Grossi cho biết, IAEA vẫn chưa nhận được dữ liệu được truyền từ các hệ thống giám sát được lắp đặt tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Theo kế hoạch, đoàn chuyên gia của IAEA sẽ tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào ngày 26/4 để giúp đảm bảo an toàn cho cơ sở này.
Tổng Giám đốc IAEA Grossi sẽ dẫn đầu phái đoàn nhằm "cung cấp các thiết bị quan trọng và tiến hành đánh giá mức độ phóng xạ và các hoạt động khác" của nhà máy.
Các chuyên gia của IAEA cũng sẽ sửa chữa các hệ thống giám sát các biện pháp bảo vệ từ xa tại nhà máy. Hệ thống đã không truyền dữ liệu về trụ sở của IAEA ở Vienna (Áo) kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Theo IAEA, lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy này trong 5 tuần trước khi rút quân vào ngày 31/3 vừa qua.
PHƯƠNG HOA