.
XUNG ĐỘT NGA- UKRAINE VÀ KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC Ở CHÂU PHI

Kỳ 1: Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Cập nhật: 19:18, 22/04/2022 (GMT+7)

Khi cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì ở những nơi cách xa vùng chiến sự hàng chục ngàn km, người dân châu Phi đã cảm nhận được sức nóng của chiến sự bởi sự thiếu đói. 40% lượng lúa mì, ngô, dầu hướng dương nhập khẩu từ Nga, Ukraine nay đã không còn.

Chen chúc mua bánh mì ở Ai Cập.
Chen chúc mua bánh mì ở Ai Cập.

1. Somalia hiện đang hứng chịu những đợt hạn hán ngày càng nghiêm trọng và cuộc xung đột Nga-Ukraine lại càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Ông Iman Abdullahi, giám đốc chi nhánh Somali thuộc Tổ chức nhân đạo toàn cầu CARE cho biết: “Hơn 90% nguồn cung lúa mì, dầu hướng dương ở Somalia đến từ Nga và Ukraine nhưng hiện nay giá đã tăng 30%.

Hàng chục ngàn người dân đã phải di tản đến các trại tạm trú do Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc bảo trợ (IDP) để kiếm thức ăn. Với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, chúng tôi lo ngại thảm kịch sẽ xảy ra khi thực phẩm cạn kiệt mà cụ thể là ở Sahel, 30 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp”.

Tại Cộng hòa dân chủ Congo (DRC), nơi đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất thế giới, xung đột Nga-Ukraine dường như đã ở ngay bên cạnh. Steve de Klerk, giám đốc quốc gia lâm thời của CARE DRC cho biết: “Ở một số khu vực, bắt đầu từ cuối tháng 2/2022 đến nay, giá nhiên liệu đã tăng 100% và hệ quả là giá cước vận tải tăng, dẫn đến các loại lương thực cũng tăng theo trong lúc đa số người dân DRC sống với mức dưới 1,90USD/ ngày”.

Tương tự như vậy, một số vùng ở Kenya cũng đang phải chịu đựng một đợt hạn hán kéo dài. Ông Maureen Miruka, giám đốc quốc gia CARE Kenya nói: “Nông nghiệp chiếm 40% diện tích Kenya, hầu hết phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu từ Nga”. Theo Bộ Nông nghiệp của quốc gia này, giá phân có thể tăng 70% khi nông dân bắt đầu vào vụ gieo trồng và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng cũng như chất lượng thực phẩm.

Và không chỉ ở Đông Phi, Trung Phi, Nam Phi, cuộc xung đột Nga-Ukraine còn tác động mạnh đến giá lương thực ở Bắc Phi và Cận Đông, nơi những người nghèo dễ bị tổn thương nhất.

Quỹ quốc tế về Phát triển nông nghiệp Liên hợp quốc (IFAD) cho biết Nga và Ukraine chiếm 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì trên thế giới, chưa kể cả hai còn là nơi sản xuất phân bón lớn nhất hành tinh.

Ông Gilbert F. Houngbo, Chủ tịch IFAD nói: “Tôi vô cùng lo ngại rằng cuộc xung đột ở Ukraine vốn đã là bi kịch cho các bên trực tiếp liên quan mà còn là thảm họa cho những người nghèo, những người không thể đương đầu với sự tăng giá của các loại lương thực và vật tư nông nghiệp…”.

Tại Ai Cập, quốc gia nằm ở Bắc Phi, bánh mì là thức ăn chính của người dân. Bất kỳ sự thiếu hụt nào cũng có thể trở thành vấn đề chính trị lớn, gây biến động xã hội. Cuộc khủng hoảng lương thực diễn ra năm 2007-2008 đã châm ngòi cho những vụ nổi dậy, được gọi là “mùa xuân Arab”, dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, cầm quyền ở quốc gia này suốt 30 năm.

Bây giờ, xung đột Nga-Ukraine lại đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Để vận chuyển phần lớn mặt hàng này, tàu Nga phải đi qua Odesa và các cảng khác trên Biển Đen nhưng những lệnh trừng phạt mà Mỹ và một số nước phương Tây chống lại Nga đã ngăn cản lộ trình ấy.

Trước khi xung đột nổ ra, để nuôi sống 105 triệu dân, 80% nhu cầu lúa mì của Ai Cập - 12 đến 15 triệu tấn mỗi năm - đều mua của Nga, Ukraina, trong đó gần 40% đến từ các công ty tư nhân nhưng hiện tại, ngay cả Ukraina cũng khó có khả năng xuất khẩu.

Nhận rõ tầm quan trọng của bánh mì và tình trạng bất ổn có thể xảy ra do giảm nguồn cung lúa mì, Chính phủ Ai Cập đã nhanh chóng hành động bằng cách duy trì những khoản trợ cấp đối với lúa mì, bất chấp áp lực từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc loại bỏ khoản trợ cấp ấy.

Bên cạnh đó, chính phủ còn áp dụng nhiều biện pháp khác như đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ, Mỹ, Argentina và Paraguay để đáp ứng nhu cầu, chưa kể thu mua lúa mì trong nước và định giá bán bánh mì.

Theo Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly, giá 1kg bánh mì chỉ được bán ở mức 11,50 đồng bảng Ai Cập (tương đương khoảng 50.000 đồng Việt Nam) đồng thời áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, đậu, đậu lăng, bột mì và mì ống trong 3 tháng.

Tương tự như vậy, các quốc gia Bắc Phi cũng đang từng bước thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ khan hiếm lương thực.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune đã cấm xuất khẩu bất kỳ loại thực phẩm nào có chứa thành phần nhập khẩu, chẳng hạn như bánh quy làm từ bột mì đồng thời chỉ đạo bộ trưởng tư pháp chuẩn bị một dự luật để thực thi lệnh cấm.

Ở những nơi khác như Yemen nằm trên bán đảo Arab, nơi đang xảy ra những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) Liên hợp quốc hồi tuần trước đã cảnh báo rằng 17,4 triệu người Yemen được xếp vào nhóm “không an toàn về lương thực, không tiếp cận được với nguồn thức ăn với giá cả phải chăng”, cũng như cuối năm sẽ có thêm 1,6 triệu người rơi vào cảnh phải cứu đói khẩn cấp.

Giám đốc điều hành WFP là ông David Beasley cho biết nạn đói sẽ tăng gấp 5 lần, từ 331.000 người hiện nay lên 1.160.000 người vào tháng 12: “Những con số đáng kinh ngạc này xác nhận rằng chúng ta đang đi gần đến thảm họa ở Yemen, không còn thời gian để tránh né”.

VŨ CAO
(Theo Economist)

.
.
.