.

Ngư dân Ecuador và cướp biển

Cập nhật: 19:01, 01/04/2022 (GMT+7)

Trong 5 năm trở lại đây, ngư dân ở tỉnh Esmeraldas, miền bắc Ecuador cho biết họ đã bị cướp biển tấn công 850 lần, một con số kỷ lục vì nếu tính trung bình thì cứ 2 ngày một lần, họ lại bị cướp nhưng điều đặc biệt là cướp biển chỉ tháo lấy động cơ trên thuyền của họ.

Một xuồng cao tốc của bọn cướp biển (ảnh chụp từ máy bay không người lái, Hải quân Mỹ).
Một xuồng cao tốc của bọn cướp biển (ảnh chụp từ máy bay không người lái, Hải quân Mỹ).

9 giờ sáng ngày 14/3/2022, ba ngư dân là Gonzaler, Joaquin và Leguzamo trong lúc đang thả câu ở vùng biển Jama, tỉnh Manabi, cách bờ khoảng 9 hải lý thì họ nhìn thấy một chiếc xuồng cao tốc từ xa lao đến. Biết là đã gặp cướp biển, Gonzaler hét lớn, bảo Joaquin và Leguzamo cắt dây câu rồi cho thuyền quay đầu vào bờ nhưng đã không còn kịp. Lúc áp sát chiếc thuyền của Gonzaler, 4 kẻ trên xuồng cao tốc bắn chết ông và Leguzamo, còn Joaquin thì bị thương. Sau đó, bọn chúng chỉ tháo lấy động cơ của thuyền rồi nhanh chóng biến mất.

Do không còn động cơ, Joaquin đành để thuyền trôi tự do. Ông kể: “Tôi dùng tấm vải bạt che mưa, phủ lên thi thể hai người bạn xấu số. Chừng 1 tiếng sau, một chiếc thuyền câu nhìn thấy thuyền của chúng tôi nên chạy đến rồi kéo vào bờ”. Gonzaler, Joaquin và Leguzamo chỉ là ba trong số hàng trăm ngư dân ở các tỉnh ven biển Ecuador bị cướp biển tấn công. Theo báo cáo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Ecuador, trong 5 năm qua, cơ quan này đã ghi nhận 850 vụ cướp biển, một con số kỷ lúc vì nếu tính bình quân thì cứ 2 ngày lại xảy ra một vụ.

Thiếu tá Nueva, chỉ huy tàu tuần duyên số 21 nói: “Điểm nóng của những vụ cướp là ở ngoài khơi tỉnh Esmeraldas, gần biên giới với Colombia. Theo điều tra của chúng tôi, hầu hết tất cả những vụ cướp đều do bọn buôn bán, vận chuyển chất ma túy cocain thực hiện”.

Khi được trang tin Latin America Today - Mỹ Latin ngày nay - hỏi vì sao việc ngăn chặn không mang lại hiệu quả, thiếu tá Nueva nói: “Vì chỉ là thuyền đánh cá gần bờ nên ngư dân không trang bị máy truyền tin với lý do gây thêm tốn kém. Tất cả những vụ cướp đều chỉ được biết khi họ đã vào bờ hoặc phát hiện họ trôi giạt trên biển. Về phía chúng tôi, nhiều tàu tuần tra không được sửa chữa do thiếu tiền bảo trì và mua phụ tùng thay thế…”.

Vẫn theo thiếu tá Nueva, các nhóm cướp biển thường có từ 4 đến 6 tên, trang bị súng AK, đi trên những tàu cao tốc. Còn tại sao chúng chỉ lấy động cơ của các thuyền đánh cá thì Nueva cho biết: “Từ lâu, trên vùng biển này đã hình thành dịch vụ vận chuyển cocain từ bờ ra tàu lớn neo đậu ở ngoài khơi.

Thuyền vận chuyển thường là thuyền nhỏ, giả dạng người đánh cá. Nếu bị bắt, phương tiện của họ sẽ bị tịch thu nên để sẵn sàng có thứ thay thế, họ mua lại động cơ mà bọn cướp biển lấy được với giá chỉ bằng 2/3 hoặc một nửa so với giá thị trường tùy theo chất lượng. Cũng không ít trường hợp cướp biển cung cấp động cơ cho họ rồi ăn chia theo từng chuyến hoặc người bị cướp tìm cách điều đình với bọn cướp để mua lại động cơ của chính họ. Chúng tôi đã từng ghi nhận có đến 30 động cơ bị cướp chỉ trong 1 ngày”.

Theo trang tin Latin America Today, những năm gần đây vùng biển Ecuador đã trở thành “siêu xa lộ” trong việc vận chuyển cocain vào Mỹ, Mexico và các quốc gia châu Âu.

Ricardo Cordova, ngư dân ở thị trấn Sua cho biết ông đã mất 70.000 USD thiết bị vì cướp biển, bao gồm 10 động cơ, 3 thuyền và 4 bộ lưới. Ông nói: “Khi không thể trông cậy và Lực lượng bảo vệ bờ biển, ngư dân phải tự trang bị để chống lại bọn cướp”. Đã xảy ra nhiều vụ đấu súng giữa ngư dân và cướp biển, trong đó có vụ ngư dân giết chết 2 tên hồi tháng 7/2021 nhưng điều này chỉ khiến bọn cướp trở nên hung hãn hơn.

Một ngư dân dấu tên cho biết, nếu muốn không bị cướp, chủ thuyền phải nộp cho bọn cướp mỗi tháng từ 100 đến 150USD tùy theo công suất động cơ thông  qua những nhân vật làm nhiệm vụ “giao dịch”. Nếu muốn bắt chúng, cảnh sát chỉ cần theo dõi “người giao dịch” là có thể lần ra kẻ đó giao tiền cho ai, ở đâu nhưng không hiểu sao họ vẫn không làm.

Một ngư dân khác đã từng nộp tiền cho cướp biển nói thêm: “Khi nộp tiền, tôi cung cấp cho “người giao dịch” số đăng ký, hình dáng và ngư trường đánh bắt của thuyền tôi. Từ đó mỗi lần ra khơi, tôi không bị cướp nữa. Thậm chí có lần một xuồng cao tốc của cướp biển lướt qua thuyền tôi, bọn trên xuồng còn giơ tay vẫy chào tôi nữa”…

VŨ CAO

(Theo Latin America Today)

.
.
.