Đức sẽ duy trì các thỏa thuận về giãn nợ và không tăng thuế
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, liên minh cầm quyền của nước này sẽ duy trì các thỏa thuận về giãn nợ và không tăng thuế.
Người dân bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Berlin, Đức. |
Trong khi đó, theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm mạnh so với dự báo trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine xảy ra.
Trong khi đó, tình trạng giá cả tăng cao cũng đang ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng nước này.
Ông Timo Wollmershäuser, lãnh đạo Viện Ifo cho biết, tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế nước này trong năm 2022 chỉ nằm trong khoảng từ 2,2-3,1%, giảm mạnh so với mức dự báo 3,7% hồi tháng 12/2021 của Viện này.
Ngược lại, tỷ lệ lạm phát có khả năng tăng nhanh hơn dự kiến và có thể đạt từ 5,1% đến 6,1% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,3% trước đó.
Ông Wollmershäuser cho rằng, do ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga, giá nhiên liệu, nguyên liệu thô trên thị trường đã tăng mạnh, cùng với đó là tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian. Những điều này làm gia tăng bất ổn kinh tế, đồng thời khiến cho giá cả tiêu dùng ngày càng gia tăng.
Hiện tại, một loạt hệ thống siêu thị của Đức như Lidl, Aldi, Rewe, Edeka... đã đồng loạt tăng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ 5-20%. Một số mặt hàng thậm chí giá còn tăng rất cao, như dầu hướng dương tăng 100%, mì sợi tăng 40%. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp.
Theo ông Wollmershäuser, chỉ trong quý đầu tiên của năm 2022, sức mua của người tiêu dùng Đức đã giảm khoảng 6 tỷ euro (6,58 tỷ USD) do giá cả tăng mạnh.
VÂN ANH