Châu Âu sẽ gặp khó trong dự trữ khí đốt nếu không có nguồn cung từ Nga
Giới phân tích cảnh báo các kế hoạch gia tăng dự trữ và bảo đảm nguồn cung khí đốt cho mùa Đông tới của châu Âu có thể bị đảo lộn nếu hoạt động xuất khẩu từ Nga bị chặn đứng bởi sự bất đồng trong các điều khoản thanh toán.
Trạm nén khí của hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin (Đức). |
Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục này, nhưng khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng Nga - Ukraine đã gia tăng trong tuần qua, khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble của Nga.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, lượng khí đốt dự trữ thường chiếm khoảng 25% lượng tiêu thụ tại châu Âu trong những tháng mùa Đông.
Trong nỗ lực nhằm gia tăng nguồn cung cho mùa Đông tới, EC đã đề xuất dự luật buộc các công ty dự trữ khí đốt phải nâng lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở của mình lên mức ít nhất là 80% năng lực dự trữ trước ngày 1/11.
Nhưng giờ đây, khi các kho dự trữ chỉ còn lượng khí đốt khoảng 25% năng lực dự trữ, thấp hơn mức trung bình 5 năm chưa đến 34% cho thời điểm này trong năm, nhiệm vụ trên dường như là bất khả thi nếu không có nguồn cung từ Nga.
Đức, nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất tại châu Âu và phụ thuộc vào Nga để đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu khí đốt của mình, đã đặt mục tiêu tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ là 90% trước tháng 11, trong khi tỷ lệ này hiện là 26%.
Nhưng trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Đức ngày 31/3 đã kích hoạt một kế hoạch khẩn cấp, theo đó chính phủ nước này có thể áp dụng chính sách phân bổ điện theo định mức nếu các nguốn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn hay cắt đứt.
Ông Kateryna Filippenko, chuyên gia cấp cao tại công ty tư vấn Wood Mackenzie nhận định, nếu nguồn cung từ Nga bị gián đoạn trong nay mai và vẫn không được nối lại vào mùa Đông tới hay hết năm nay hoặc hơn thế nữa, tỷ lệ lấp đầy các kho dự trữ sẽ không thể đạt mức 80%, mà khả năng cao nhất sẽ chỉ ở ở đâu đó hơn 50%, có thể là khoảng 54%.
Điều này, theo ông Filippenko, có thể gây ra nhiều vấn đề cho ngành công nghiệp, vì châu Âu sẽ tìm cách bảo vệ những người tiêu dùng dễ bị tổn thương bằng cách cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ trong công nghiệp, có thể là 20%.
Kế hoạch dự trữ nói trên của châu Âu còn trở nên phức tạp hơn nữa khi Tập đoàn Dầu khí quốc doanh Gazprom của Nga đang nắm quyền kiểm soát nhiều cơ sở dự trữ ở phía Tây Bắc châu Âu, nơi lượng khí đốt dự trữ đang ở mức thấp nhất trong ít nhất là 5 năm qua. Tại Đức, 1/3 các cơ sở dự trữ khí đốt thuộc sở hữu của Gazprom.
EC còn đề xuất từ năm 2023, tất cả các cơ sở dự trữ khí đốt cần phải đạt tỷ lệ lấp đầy 90% trước ngày 1/11. Liên minh châu Âu (EU) đang đặt mục tiêu giảm 2/3 mức độ phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và ngừng nhập khẩu hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch từ nước này vào năm 2027.
KHÁNH LY